Hôm nay, Thứ năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Sách của Nhà Xuất bản Tư pháp đoạt giải C ở Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024

02/12/202

Vừa qua, Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục ghi dấu ấn đặc biệt khi một trong những ấn phẩm của Nhà xuất bản được trao giải C tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024. Đây là một vinh dự lớn không chỉ khẳng định chất lượng nội dung của Nhà xuất bản mà còn góp phần khẳng định giá trị học thuật và thực tiễn mà tác phẩm mang lại trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập pháp luật quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo đó, tác phẩm “Pháp luật quốc tế về sáng chế giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc ở một số quốc gia trên thế giới – Kinh nghiệm cho Việt Nam” của TS. Lê Vũ Vân Anh – giảng viên môn Luật Sở hữu trí tuệ tại Khoa Luật, Đại học Oxford (Vương quốc Anh) phân tích sâu sắc về xung đột giữa hệ thống sáng chế và quyền tiếp cận thuốc, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Xung đột này phản ánh hai quan điểm trái ngược: các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng sáng chế đẩy giá thuốc lên cao, trong khi các tập đoàn dược khẳng định đây là động lực chính cho nghiên cứu phát triển.
Giải C Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024. Ảnh: vtv.vn
Tuy nhiên, thuốc là nhu cầu cơ bản nên mọi người đều cần được tiếp cận bất kể điều kiện kinh tế. Trong bối cảnh này, giấy phép bắt buộc nổi lên như một giải pháp để Chính phủ ép buộc các chủ sở hữu sáng chế chia sẻ quyền với bên thứ ba. Mối quan hệ giữa sáng chế, dược phẩm và giấy phép bắt buộc đã trở nên đặc biệt nóng trong đại dịch Covid-19, khi nhiều quốc gia điều chỉnh luật để sẵn sàng sử dụng cơ chế này cho vaccine. Cuốn sách cung cấp cái nhìn toàn diện về xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng, cùng những góc nhìn phản biện về hệ thống sáng chế trong lĩnh vực dược.
Cụ thể, cuốn sách tập trung nghiên cứu sâu sắc về pháp luật quốc tế liên quan đến sáng chế, đặc biệt là “giấy phép bắt buộc” (compulsory licensing) – một chế định pháp lý, trở thành trung tâm của sự chú ý trên toàn thế giới về quyền tiếp cận thuốc, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra. Giấy phép bắt buộc cho phép Chính phủ, trong một số trường hợp nhất định, bắt buộc chủ sở hữu sáng chế (thường là các công ty dược) chuyển giao bằng sáng chế cho Chính phủ hoặc một bên thứ ba.
Tác phẩm “Pháp luật quốc tế về sáng chế giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc ở một số quốc gia trên thế giới – Kinh nghiệm cho Việt Nam” của TS. Lê Vũ Vân Anh.
Đối với Việt Nam, tìm hiểu chế định pháp lý này là vấn đề quan trọng, kinh nghiệm từ các nước khác sẽ giúp chúng ta hoàn thiện khung pháp lý và có những chính sách phù hợp để hạn chế những vấn đề có thể phát sinh khi việc cấp giấy phép bắt buộc xảy ra.
Việc đoạt giải C tại giải thưởng năm nay là một trong những dấu ấn nổi bật của Nhà xuất bản Tư pháp. Trong những năm qua, Nhà xuất bản đã không ngừng nỗ lực phát hành những ấn phẩm có giá trị về pháp luật, giúp đưa các quy định pháp lý vốn khô khan trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn với công chúng. Đặc biệt trong 03 năm gần đây liên tiếp được công nhận là một trong sáu Nhà xuất bản quốc gia có uy tín trong lĩnh vực Luật học.
Giải thưởng này không chỉ là một niềm tự hào mà còn là động lực để Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục đầu tư vào việc phát triển các ấn phẩm pháp luật chất lượng cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Nhà xuất bản cũng đặt mục tiêu chuyển đổi số, đưa sách pháp luật lên các nền tảng trực tuyến để tiếp cận rộng rãi hơn với độc giả trong và ngoài nước.
Ông Trần Mạnh Đạt, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp chia sẻ: “Giải thưởng này là sự công nhận đáng quý cho những nỗ lực của chúng tôi trong việc phổ biến kiến thức pháp luật đến cộng đồng. Chúng tôi hy vọng rằng các ấn phẩm tiếp theo sẽ tiếp tục truyền tải giá trị tri thức, đóng góp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam”.
Có thể nói, cuốn sách của Nhà xuất bản Tư pháp đoạt giải tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024 không chỉ là niềm vinh dự của đơn vị mà còn là minh chứng cho giá trị của sách trong việc nâng cao tri thức và lan toả ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng. Đây cũng là lời nhắc nhở rằng, sách không chỉ là phương tiện lưu giữ tri thức mà còn là cầu nối quan trọng giữa luật pháp và đời sống.
Phương Mai
Nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT