Hôm nay, Thứ tư ngày 08 tháng 05 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

THƯ CỦA ĐỒNG CHÍ HÀ HÙNG CƯỜNG, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ BAN CÁN SỰ, BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP GỬI CÁN BỘ, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NXB TƯ PHÁP NHÂN DỊP KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP

10/09/201

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2013 Các đồng chí thân mến, Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi thân ái gửi đến tập thể Lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Nhà xuất bản Tư pháp lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Từ năm 1981, Nhà xuất bản Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp đã được thành lập theo Nghị định số 143-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và đã có nhiều ấn phẩm có giá trị phục vụ việc nâng cao dân trí về pháp luật, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân, góp phần đắc lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp. Năm 1992 Nhà xuất bản Pháp lý cùng 3 nhà xuất bản khác được hợp nhất thành Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
Bước sang thiên niên kỷ mới, trước yêu cầu khách quan của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế cũng như trước yêu cầu quản lý nhà nước ngày càng lớn trong lĩnh vực Tư pháp, được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, ngày 08/9/2003, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định thành lập Nhà xuất bản Tư pháp. Có thể nói, hiếm có nhà xuất bản nào như Nhà xuất bản Tư pháp, ngay từ khi mới thành lập đã có vinh dự lớn lao được đứng vào trung tâm của các công cuộc cải cách để chứng kiến và góp phần thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy chính trị-pháp lý lẫn phương thức tổ chức hoạt động thực tiễn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đó là cơ hội và cũng là thách thức để Nhà xuất bản Tư pháp khai thác, cống hiến những sản phẩm vừa có giá trị lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn về xây dựng nền tư pháp nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phản ánh những khó khăn, phức tạp của quá trình cải cách đang diễn ra trong các lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động tư pháp, tố tụng tư pháp, kể cả những trăn trở, day dứt của các luật gia, luật sư về trách nhiệm, lương tâm của người làm nghề luật trước những thân phận pháp lý của con người. Hoạt  động 10 năm qua của Nhà xuất bản Tư pháp đã khẳng định tính cần thiết khách quan và vị trí quan trọng của nhà xuất bản chuyên ngành Tư pháp trong việc góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng.
Thưa các đồng chí,
10 năm là khoảng thời gian chưa dài, song những việc làm được của Nhà xuất bản Tư pháp là không nhỏ và rất đáng trân trọng. Tuy rằng, trong mỗi bước trưởng thành, có thăng có trầm, có thành công và có cả non nớt, sai phạm, điều quan trọng nhất là các lớp cán bộ lãnh đạo, viên chức, người lao động của Nhà xuất bản Tư pháp đã biết đoàn kết, đồng lòng, khắc phục yếu kém, phát huy nội lực, phấn đấu triển khai ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, tổ chức, cán bộ của Nhà xuất bản đã cơ bản được kiện toàn; hoạt động trọng tâm là xuất bản, phát hành sách có hiệu quả hơn, đời sống cán bộ, viên chức, người lao động ổn định. Các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp đã không ngừng hoàn thiện, từ đáp ứng tiêu chí "đúng" đã dần trở nên "hay, hấp dẫn và thiết thực" hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc, tiếp cận thông tin pháp luật và tư pháp ngày càng đa dạng của nhân dân cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn của cán bộ pháp luật, tư pháp. Với những kết quả đã đạt được, Nhà xuất bản Tư pháp đã có đóng góp thiết thực vào thành công chung của Bộ, Ngành cũng như sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định ngày càng rõ nét hơn hình ảnh riêng của mình trong lòng bạn đọc cả nước.
Trong những năm tới, cùng với việc thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tổ chức thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, những cơ hội và thách thức mới, lớn lao tiếp tục đặt ra, đòi hỏi Ngành Tư pháp nói chung, Nhà xuất bản Tư pháp nói riêng phải tiếp tục đổi mới, vượt qua chính mình, bám sát tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, tìm kiếm những giải pháp có tính đột phá cả về nghiệp vụ và nguồn nhân lực để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó truyền tải và huy động tốt nhất sự tham gia của nhân dân, xã hội vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Để làm được điều đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Nhà xuất bản Tư pháp cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật hiện hành về công tác xuất bản; tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích, tập trung giới thiệu, tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, của đất nước, trong đó phản ảnh kịp thời các đóng góp của Bộ, Ngành với vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hoàn thiện thể chế về cải cách tư pháp nói riêng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), cũng như quá trình từng bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật và cả những đóng góp, phát triển mới của khoa học pháp lý trong nước và quốc tế.
 Tôi tin rằng phát huy những kết quả đã đạt được của 10 năm qua, cán bộ, viên chức, người lao động Nhà xuất bản Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, kiên trì đổi mới, năng động và sáng tạo, góp phần xứng đáng cùng với toàn Ngành Tư pháp thực hành ngày một tốt hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về việc đưa công tác tư pháp đến gần dân hơn, hiểu dân nhiều hơn; thể hiện được đầy đủ hơn bản lĩnh và bản sắc của “Xuất bản Tư pháp” trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật và tư pháp vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Nhà xuất bản Tư pháp là một thương hiệu có uy tín tại thị trường trong nước, từng bước hội nhập với thị trường sách pháp luật của khu vực và thế giới.
Chào thân ái
 
 
Hà Hùng Cường
 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT