Thực hiện Hướng dẫn số 12-HD.BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, để kịp thời định hướng triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động và kiện toàn tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, chiều ngày 30/9, Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý III/2021 với nội dung “Công tác biên tập trong giai đoạn hiện nay”. Đồng chí Hồ Quang Huy, Ủy viên BCH Đảng bộ, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà xuất bản chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe trình bày 03 chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: “Bảo đảm tính chính trị trong công tác biên tập” do Ban Biên tập chuẩn bị; Chuyên đề 2: “Nâng cao hiệu quả công tác biên tập dưới góc độ phối hợp giữa Phòng Kế hoạch - Sản xuất và Ban Biên tập” do Phòng Kế hoạch - Sản xuất chuẩn bị; Chuyên đề 3: “Góc nhìn của Biên tập viên trẻ đối với công tác biên tập” do Chi đoàn Nhà xuất bản Tư pháp chuẩn bị.
Với tinh thần trách nhiệm, ghi nhận những kết quả đã đạt được, đồng thời trăn trở về những áp lực của công tác biên tập, Hội nghị đã lắng nghe 15 ý kiến phát biểu với nhiều góc nhìn đa chiều liên quan đến 03 chuyên đề đã được trình bày. Các ý kiến phát biểu đã tập trung đi sâu phân tích, đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả 05 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực biên tập là: (i) Việc vừa bảo đảm tính chính trị, vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Nhà xuất bản Tư pháp; (ii) Công tác sử dụng, tạo nguồn lực của đơn vị liên quan đến lĩnh vực biên tập; (iii) Cơ chế sử dụng biên tập viên gắn với kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu, tính chất và đặc thù công việc của Ban Biên tập; (iv) Mối quan hệ giữa công tác kế hoạch - biên tập - phát hành trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay và (v) Cơ chế tài chính, chính sách đãi ngộ tương xứng với mức độ cống hiến, khả năng chuyên môn của từng biên tập viên…
Đánh đánh giá cao chất lượng 03 chuyên đề, cũng như ghi nhận những ý kiến phát biểu tích cực, mang tính xây dựng của các đảng viên, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác biên tập đối với uy tín, thương hiệu của Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Bí thư Chi bộ, Giám đốc Hồ Quang Huy cảm ơn sự đóng góp, nỗ lực của tất cả các bộ phận trong quy trình biên tập bản thảo, đồng thời đề nghị trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: (i) Bám sát định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ được nêu trong Đề án để không ngừng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ biên tập các xuất bản phẩm (cạnh tranh không chỉ bằng chất lượng, giá cả, mà còn bằng cả tiến độ, thời gian hoàn thành); bảo đảm tuyệt đối không có xuất bản phẩm sai phạm về nội dung, hình thức buộc phải chỉnh lý hoặc bị cấm lưu hành, bị thu hồi, tịch thu hoặc tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (ii) Nghiên cứu, đổi mới cơ chế về tài chính nội bộ để bảo đảm tối ưu hóa chế độ chính sách phù hợp với năng lực, sở trường và mức độ hoàn thành công việc của biên tập viên nói riêng, đội ngũ viên chức, người lao động nói chung với tinh thần “pháp luật không cấm, cơ chế cho phép sự linh hoạt thì mạnh dạn thí điểm, đổi mới”; (iii) Đối với vấn đề sử dụng cán bộ, cần phát huy tối đa nguồn nhân lực nội tại của đơn vị để bổ sung vào đội ngũ biên tập viên kiêm nhiệm; trên cơ sở các tiêu chí cứng của vị trí biên tập viên theo Khung năng lực vị trí việc làm, lựa chọn nhân sự trong đơn vị phù hợp với vị trí biên tập viên để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ biên tập viên kiêm nhiệm trong Nhà xuất bản tham gia biên tập các bản thảo theo yêu cầu; (iv) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác biên tập để hỗ trợ tốt hơn công tác biên tập, đặc biệt là việc tra cứu, tìm kiếm, đối chiếu các nguồn thông tin, tài liệu tham khảo, các từ ngữ vi phạm, trái đạo đức…
Nhân dịp này, Ban Lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp cũng đã trao Quyết định bổ nhiệm lại đối với đồng chí Đào Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý phát hành Nhà xuất bản Tư pháp.
Với kết quả đạt được, buổi sinh hoạt chuyên đề Quý III/2021 của Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp đã thể hiện đúng đắn, nhất quán chủ trương gắn công tác Đảng với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị, qua đó giúp các đảng viên, quần chúng trong đơn vị có thêm nhận thức, quyết tâm, giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, tiến độ biên tập, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp, đoàn kết, nghĩa tình, góp phần triển khai hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ của Nhà xuất bản Tư pháp trong thời gian tới./.
Chi bộ Nhà xuất bản Tư pháp