Theo Báo cáo do đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày, tính đến hết năm 2020, cả nước có 59 nhà xuất bản, trong đó có 16 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 43 đơn vị sự nghiệp công lập. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm. Tổng số xuất bản phẩm là 36.218 xuất bản phẩm (giảm 2,4%) với 403,5 triệu bản, trong đó xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.158 cuốn (giảm 2,0%) với 363.187.123 bản (giảm 10%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.050 xuất bản phẩm (giảm 14,6%) với 1.500.000 lượt truy cập… Về phát hành xuất bản phẩm, năm 2020, toàn ngành phát hành hơn 330 triệu xuất bản phẩm (giảm 27,7%); doanh thu đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 24,4%). Tuy nhiên, một số Nhà xuất bản (NXB) với những giải pháp hiệu quả đã vượt qua khó khăn, thách thức, có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt như: NXB Thông tấn, NXB Tư pháp, NXB Lao động, NXB Đại học Sư phạm, NXB Công an nhân dân, NXB Kim Đồng. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các NXB đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong nhiều sự kiện lớn. Các NXB tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng như: sách có nội dung về các vấn đề liên quan đến nhà nước và pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; sách có nội dung đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; sách tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo; sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Song, bên cạnh đó, vẫn còn một số NXB buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm về nội dung, bị xử lý; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, chưa có sự đầu tư thỏa đáng… Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, một số cơ sở phát hành đã thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số hiệu sách phải đóng cửa, xảy ra hiện tượng dư thừa lao động trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cơ quan chủ quản, NXB, đơn vị phát hành sách phải đổi mới tư duy trong công tác xuất bản, phát hành sách hiện nay nhằm thích ứng với mọi đối tượng người đọc, hướng đến con người nhưng phải theo quy luật thị trường. Các cơ quan chủ quản cần quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, con người, cơ sở vật chất để hỗ trợ NXB của mình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong khi đó, các NXB cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng phương thức, nội dung kinh doanh cụ thể, nhất là xây dựng đội ngũ, gắn liền với đó là việc tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Các NXB, công ty sách phải là những “bà đỡ” cho những tác phẩm có giá trị; quan tâm khai thác, bám sát đời sống thực tiễn, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của từng ngành và nhu cầu của người dân, để làm sao có nhiều sách hay vừa phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ cho người dân đồng thời tạo được bản sắc riêng của NXB.
Nhân dịp này, với những kết quả công tác đạt được, Nhà xuất bản Tư pháp đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành năm 2020.