Sáng ngày 29/6, tập thể công chức, viên chức, người lao động của Nhà xuất bản Tư pháp do đồng chí Hồ Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà xuất bản dẫn đầu đã đến viếng, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong tại “địa chỉ đỏ” Ngã ba Đồng Lộc. Tham gia Đoàn còn có đồng chí Văn Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An, đại diện một số phòng có liên quan thuộc 02 Sở và đông đảo người thân của công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Nhà xuất bản Tư pháp.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Đây được xem như cổ họng, vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Khoảng 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, trong đó 01 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - Nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Để ghi lại chiến tích anh hùng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho tiểu đội 10 cô gái và Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Thành kính dâng nén tâm nhang tưởng nhớ và xúc động nghe giới thiệu về phẩm chất anh hùng cách mạng của Thế hệ cha anh đi trước, mỗi thành viên trong Đoàn nguyện không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị./.
Tổ Website Nhà xuất bản Tư pháp
Nguồn: moj.gov.vn