Hôm nay, Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Nhà xuất bản Tư pháp

11/02/201

Thực hiện Kế hoạch số 4767/KH-BTP ngày 11/12/2018 của Bộ Tư pháp về tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và triển khai công tác năm 2019. Ngày 30/01/2019, Nhà xuất bản Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2019. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự buổi làm việc, về phía các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; đồng chí Phạm Quang Đại, Phó Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, đại diện Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp. Về phía Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Trần Mạnh Đạt, Phó Giám đốc phụ trách kiêm Tổng Biên tập cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động Nhà xuất bản Tư pháp tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, thay mặt Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Trần Mạnh Đạt, Phó Giám đốc phụ trách kiêm Tổng Biên tập đã báo cáo khái quát kết quả công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Theo đó, năm 2018 là năm đầu tiên Nhà xuất bản Tư pháp thực hiện theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm 100% kinh phí hoạt động. Trên cơ sở Kế hoạch công tác năm 2018, theo đánh giá chung, về cơ bản, Nhà xuất bản Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch công tác năm. Đơn vị luôn giữ vững định hướng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp đều bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm chất lượng về nội dung, hình thức, góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của bạn đọc trong cả nước. Đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Bộ, ngành giao, cung cấp kịp thời các loại giấy tờ, sổ hộ tịch, các loại giấy tờ khác phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; công tác sản xuất, kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tình hình tài chính của đơn vị được giữ ổn định. Có được kết quả này, ngoài sự cố gắng của tập thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị, Nhà xuất bản Tư pháp còn nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự hỗ trợ kịp thời của các đơn vị bạn, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn có những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục phải tập trung giải quyết. Mặc dù doanh thu trong năm của đơn vị có tăng, tuy nhiên dưới sức ép của hoạt động xuất bản điện tử, doanh thu về sách truyền thống đang có xu hướng chững lại; đơn vị chưa đánh giá đầy đủ và tận dụng được hết thế mạnh là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; nguồn lực nội tại và khả năng tài chính của đơn vị còn nhiều hạn chế…
Trên tinh thần chia sẻ, động viên và góp ý chân thành, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những ý kiến đóng góp hết sức quý giá đối với Nhà xuất bản, đặc biệt là phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong năm 2019 như mở rộng khách hàng, đối tác chiến lược, tăng cường cơ chế phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, nâng cao năng lực nội tại của Nhà xuất bản...
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực cố gắng của tập thể công chức, viên chức, người lao động Nhà xuất bản Tư pháp, nhất là trong bối cảnh Nhà xuất bản đã chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính và đang có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo đơn vị. Thứ trưởng đánh giá cao việc Nhà xuất bản Tư pháp đã nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó công tác chuyên môn của đơn vị tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, doanh thu trong năm của đơn vị vượt so với năm 2017, tình hình thu hồi nợ đọng được triển khai quyết liệt, bảo đảm số dư công nợ an toàn, Nhà xuất bản Tư pháp vẫn là địa chỉ tin cậy trong công tác xuất bản sách chính trị - pháp lý, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của đơn vị như số lượng sách chuyên khảo mang tính chuyên sâu còn ít; doanh thu tuy tăng nhưng doanh thu về sách lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu; công tác mở rộng thị trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp mang tính đột phá để tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để mở rộng thêm hình thức phát hành; xuất bản phẩm chưa đa dạng về chủng loại. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng nhấn mạnh một số ý kiến Nhà xuất bản cần thực hiện ngay để bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của đơn vị:
Thứ nhất, trong bối cảnh hoạt động của ngành xuất bản nói chung dự báo còn nhiều khó khăn, Nhà xuất bản Tư pháp cần xác định rõ lợi thế cạnh tranh của đơn vị trong tổng thể chung của ngành xuất bản để có định hướng phát triển rõ ràng hơn, đa dạng hóa các xuất bản phẩm, trong đó cần chú trọng đến các mảng sách chuyên khảo, đầu tư kinh phí để thu hút những bản thảo sách chuyên khảo chất lượng, mang tính chất hướng dẫn chuyên sâu về áp dụng pháp luật. Đơn vị cần xác định rõ chỉ tiêu doanh thu về sách trên tổng doanh thu hàng năm để có những định hướng, giải pháp hỗ trợ công tác phát hành sách của đơn vị; mở rộng mạng lưới khách hàng, đặc biệt là khách hàng chiến lược và khai thác thị trường sách tại khu vực phía Nam; chú trọng mở rộng hình thức phát hành, trong đó có phát hành sách trực tuyến, thanh toán điện tử…
Thứ hai, Nhà xuất bản tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng, Ban để xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn nữa, trong đó chú trọng đến tăng cường công tác phối hợp giữa các Phòng, Ban; điều chỉnh cơ cấu, số lượng cán bộ theo vị trí việc làm và phù hợp với yêu cầu công việc. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với đặc thù là đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài các lớp đào tạo theo quy định chung của Bộ, đơn vị cần chọn, cử cán bộ có năng lực phù hợp để tham gia các khóa học về thương mại điển tử, quản trị website, bán hàng trực tuyến…
Thứ ba, đơn vị cần có nghiên cứu hết sức cụ thể để đánh giá toàn diện thuận lợi, khó khăn, sự khác biệt cốt lõi khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên để phát huy mạnh mẽ, tận dụng tốt hơn nữa cơ chế tự chủ của đơn vị. Trên tinh thần đó, đơn vị cần nghiên cứu, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chế để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực thi nhiệm vụ của đơn vị, tránh để thể chế lại trở thành rào cản cho sự phát triển của đơn vị...
Thứ tư, đơn vị cần đổi mới tư duy, lề lối làm việc; tiếp tục duy trì, tăng cường hơn nữa công tác phối kết hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà xuất bản trong công tác phối hợp giải quyết công việc.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 01 tập thể của đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2018 và 02 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2017-2018.
Kết thúc buổi làm việc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán cổ truyền Kỷ Hợi sắp tới, Thứ trưởng chúc tập thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, chúc Nhà xuất bản tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Thay mặt Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Phó Giám đốc phụ trách kiêm Tổng Biên tập Trần Mạnh Đạt đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và cá nhân Thứ trưởng, đồng thời xin tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng để cùng tập thể Ban Lãnh đạo lãnh đạo Nhà xuất bản hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được Bộ giao trong năm 2019./.

 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT