Trong năm 2024, các đơn vị thuộc khối báo chí, xuất bản đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, về cơ bản đã đáp ứng được tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đã đặt ra.
Báo Pháp luật Việt Nam: chuyển hướng mạnh sang báo chí điện tử
Tại Hội nghị, đồng chí Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã báo cáo về kết quả công tác năm 2024 của Báo Pháp luật Việt Nam. Theo đó, trong năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích, và bám sát chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến công tác báo chí, xuất bản. Tăng cường, củng cố, phát huy vai trò công tác báo chí, tuyên truyền về các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, phát huy bản sắc, thực hiện có chiều sâu trong công tác quản lý, tổ chức xuất bản các ấn phẩm; tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức của các ấn phẩm, nâng cao chất lượng từng tin, bài và từng số báo để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Báo.
Đồng chí Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam báo cáo tại Hội nghị.
Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã chuyển hướng mạnh sang báo chí điện tử, tư vấn trực tuyến; khai thác triệt để công năng, tiện ích lợi thế của báo chí điện tử để gia tăng các giá trị kinh tế. Phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, tuyên truyền sâu sắc các hoạt động của đất nước; tích cực tuyên truyền các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Năm 2024, Báo đã phát hành gần 02 triệu bản báo in đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị quân đội trong cả nước; duy trì và phát triển số lượng bạn đọc báo đặt dài hạn đối với các ấn phẩm; phát triển thêm lượng phát hành theo các chuyên trang, chuyên mục mới, gia tăng giá trị kinh tế công tác xuất bản.
Đối với công tác tổ chức xuất bản ấn phẩm phụ, các số phụ Doanh nhân và Pháp luật, Pháp luật Chuyên đề đã tập trung thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền sâu về các vấn đề pháp luật chuyên ngành và chuyên đề để phục vụ các nhóm bạn đọc chuyên biệt, hoàn thành tốt sứ mệnh đồng hành hỗ trợ, truyền thông với bạn đọc. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, Chuyên trang báo điện tử phapluatplus, baophapluat.vn, videophapluat.baophapluat.vn, doanhnhan.baophapluat.vn tiếp tục cải cách nhằm tạo sự đặc sắc, tính chất chuyên biệt của từng chuyên trang điện tử, thực hiện tốt nội dung tuyên truyền theo đúng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ được giao.
Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam phát biểu tại Hội nghị.
Đặc biệt, năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử được xếp hạng 54 trong số các trang web tin tức ở Việt Nam, với lượt đọc báo có xu hướng tăng dần, trung bình khoảng 04 - 05 triệu lượt xem/tháng. Trang thông tin điện tử phapluatmedia.baophapluat.vn đã đăng tải các thông tin tổng hợp đúng quy định, góp phần vào mục tiêu chung của Nhà nước về Chiến lược thông tin và công nghệ thông tin. Các trang mạng xã hội của Báo Pháp luật Việt Nam được duy trì và phát triển tốt, bảo đảm tiếp cận đa phương thức đến bạn đọc.
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật: số chuyên đề chuyên sâu 200 trang về “Công tác chuyển đổi số trong ngành Tư pháp” là điểm sáng
Về kết quả công tác năm 2024 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Phó Trưởng ban Tạp chí điện tử cho biết, năm 2024, về cơ bản, từng cán bộ, viên chức, người lao động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã nêu cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực hết sức mình triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tư pháp.
Cụ thể, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã biên tập, xuất bản và phát hành 12 số Tạp chí kỳ I - 90 trang và 12 số Tạp chí kỳ II - 64 trang với tổng cộng 293 bài viết đa dạng về các lĩnh vực góp phần tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật; xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phản ánh những mặt công tác pháp luật, tư pháp trọng tâm của đất nước và của Bộ, ngành Tư pháp…
Đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Phó Trưởng ban Tạp chí điện tử, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật báo cáo tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cũng đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Bộ, ngành Tư pháp thực hiện việc xây dựng, biên tập, xuất bản và phát hành 10 số chuyên đề chuyên sâu (200 trang) với tổng số 137 bài viết. Đặc biệt, số chuyên đề chuyên sâu 200 trang về “Công tác chuyển đổi số trong ngành Tư pháp” là điểm sáng, nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả đúng mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đối với Tạp chí điện tử Dân chủ và pháp luật, trong năm 2024 đã đăng tải trên 1.100 tin/bài/video cung cấp cho bạn đọc các thông tin một cách thường xuyên, liên tục về nghị quyết, văn bản của Đảng, đặc biệt là tuyên truyền nội dung các luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Bên cạnh đó, Tạp chí điện tử Dân chủ và Pháp luật cũng luôn theo dõi, bám sát, đăng tải các tin, bài tuyên truyền về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp trong việc thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Trương Thế Côn phát biểu tại Hội nghị.
Năm 2024, Tạp chí điện tử Dân chủ và Pháp luật đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã số ISSN là e-ISSN
3030-4792. Tạp chí điện tử Dân chủ và pháp luật đã thực hiện thiết kế, xây dựng mã QRcode của Tạp chí điện tử đăng tải trên Tạp chí giấy để kết nối giữa Tạp chí điện tử và Tạp chí giấy truyền thống nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng khả năng nhận diện của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với độc giả trong và ngoài ngành Tư pháp. Tạp chí điện tử Dân chủ và Pháp luật cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành các trang mạng xã hội xuyên biên giới như facebook, tiktok… để tăng cường truyền thông, tiếp cận nhiều hơn với các độc giả trong và ngoài nước.
Nhà xuất bản Tư pháp: không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các xuất bản phẩm
Về kết quả công tác năm 2024 của Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Trương Thị Thu Hà, Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp cho biết, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp cùng sự đoàn kết, sáng tạo, nhất trí của tập thể viên chức, người lao động, năm 2024, Nhà xuất bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhà Xuất bản Tư pháp đã thực hiện thủ tục đăng ký xuất bản và được Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận 400 đề tài; đã hoàn thành xuất bản 346 xuất bản phẩm (bao gồm Sách, Giấy tờ hộ tịch và Sổ hộ tịch). Trong đó, có 261 xuất bản phẩm dạng sách với tổng số 583.953 bản in (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023).
Đồng chí Trương Thị Thu Hà, Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp báo cáo tại Hội nghị.
Công tác xuất bản xuất bản phẩm được Nhà xuất bản Tư pháp quan tâm, chú trọng và triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu bạn đọc, khách hàng, đối tác đã góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho Nhà xuất bản Tư pháp. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, Nhà xuất bản không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các xuất bản phẩm; nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng thiết kế bìa và ruột sách, bảo đảm đa dạng trong cách thức thể hiện mỗi ấn phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác, khách hàng. Các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp trong năm 2024 luôn bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức, tạo được bản sắc riêng, được các đối tác, đơn vị liên kết ghi nhận, đánh giá cao.
Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp Trần Mạnh Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Tư pháp đã thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử của Nhà xuất bản Tư pháp với 39 xuất bản phẩm điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử
Ebook365.vn có tên miền là
https://ebooknxbtp.vn. Công tác theo dõi, đặt in và kiểm tra chất lượng in được Nhà Xuất bản thực hiện sát sao, nghiêm túc theo quy trình thủ tục chặt chẽ, bảo đảm cho các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp luôn bảo đảm chất lượng khi đến với bạn đọc góp phần bảo vệ quyền lợi cho bạn đọc và góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín cho Nhà xuất bản Tư pháp.
Trao đổi tại Hội nghị, các đồng chí là công chức, viên chức, người lao động của ba đơn vị cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đều nhất trí cao với Báo cáo kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của cả ba đơn vị. Đồng thời, các đại biểu cũng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ba đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ báo chí, xuất bản, truyền thông chính sách pháp luật.
Đảm bảo hoạt động của 03 đơn vị đáp ứng yêu cầu “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”
Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cả 03 đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
Thứ trưởng đánh giá, năm 2024 cả 03 đơn vị đã cơ bản hoàn thành tốt các kế hoạch công tác đề ra và tuân thủ những yêu cầu về báo chí, xuất bản, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nghiêm túc, không xảy ra sai sót. Hoạt động kinh tế báo chí đạt nhiều kết quả tích cực; đồng thời các đơn vị đã có trách nhiệm cao, chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia truyền thông các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp cũng như trong thực hiện yêu cầu về mặt chuyên môn; thực hiện đúng định hướng của Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18-NQ/TW).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện nổi bật của Bộ, ngành nói riêng và cả nước nói chung, đặt trong bối cảnh năm cuối Đại hội XIII của Đảng; tổng kết thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW và yêu cầu về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị 3 đơn vị cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện đúng, đầy đủ chủ trương, chính sách về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động của đơn vị đáp ứng yêu cầu “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”;
Thứ hai, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong tập thể Ban biên tập, Lãnh đạo cấp uỷ,.. của 03 đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác báo chí, xuất bản đúng với tôn chỉ, mục đích đã đặt ra và đúng quy định của pháp luật;
Thứ ba, thực hiện đúng quy định tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"; đảm bảo "Phát huy tính Đảng" trong nội dung các sản phẩm tin, bài;
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện các nhiệm vụ chung của Bộ, ngành. Cụ thể, là đầu mối đi đầu trong huy động các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước tham gia vào công tác tuyên truyền về hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp;
Thứ năm, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI với trọng tâm là giải báo chí toàn quốc ngành tư pháp; vinh danh gương sáng pháp luật; xuất bản các ấn phẩm, tạp chí,…
Thứ sáu, hoạt động kinh tế báo chí cần gắn kết chặt chẽ với chuyên môn, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, không vì mục tiêu kinh tế thuần túy;
Thứ bảy, tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tòa soạn, quản lý phóng viên, biên tập viên,… từ đó tập trung nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ mang tính bản sắc của đơn vị, đảm bảo tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dễ quản lý; Phát huy tính dân chủ, vai trò của cấp uỷ, công đoàn, đoàn thanh niên trong duy trì hoạt động của đơn vị./.
Thu Nga
Nguồn: https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc