Sau những lần gặp gỡ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Phạm Thị Thinh (Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) đã nhận được nhiều bài học vô giá.
Hơn 20 năm trước, bà Phạm Thị Thinh (nay là Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) mới chỉ là một biên tập viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng với sự tin tưởng của đơn vị, bà đã được giao nhiệm vụ biên tập bản thảo sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ba lần gặp gỡ để trao đổi về bản thảo cuốn sách Xây dựng chỉnh đốn Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (xuất bản năm 2005), là ba cuộc gặp đặc biệt giúp bà Thinh hiểu ra nhiều điều. Trong trí nhớ của mình, ba bài học của Tổng bí thư để lại trong những cuộc gặp gỡ đó đã theo bà Phạm Thị Thinh tới tận bây giờ và được bà truyền lại cho nhiều thế hệ biên tập viên sau này.
Bài học về tác phong và nghề làm sách
Cuốn sách Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xuất bản năm 2005, là công trình nghiên cứu bài bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vào thời điểm đó, bà Phạm Thị Thinh là một biên tập viên trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm về sự nhạy cảm chính trị trong nghề.
Bà Thinh nhớ lại, khi được giao nhiệm vụ biên tập bản thảo này, bà đã cố gắng tra trích lại các trích dẫn trong sách và ghi nguồn trích dẫn đầy đủ, kiểm tra lại các mốc thời gian, thông tin trong bản thảo… và đầu tư thời gian viết Lời Nhà xuất bản.
Sau khi biên tập xong bản thảo, bà xin lịch hẹn và được gặp trực tiếp tác giả để gửi bản thảo và trao đổi về những nội dung đã sửa chữa. Trước cuộc gặp, bà được trưởng ban biên tập dặn dò phải chuẩn bị kỹ lưỡng những nội dung cần trao đổi.
Hôm đó, bà đến trễ 5 phút so với lịch hẹn, điều bất ngờ đầu tiên là vị Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chờ bà mà không một lời trách cứ. Bà Phạm Thị Thinh hiểu rằng, bài học đầu tiên rất quan trọng đó là sự đúng giờ. Từ đó, bà luôn cố gắng chủ động đến sớm trong tất cả các cuộc họp và làm việc với cộng tác viên, để mọi người không phải chờ đợi.
Bà Phạm Thị Thinh cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần trao đổi về bản thảo sách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lần gặp thứ hai diễn ra sau khi tác giả đã xem lại bản thảo, biên tập viên đến làm việc với nhiều lo lắng. Vị lãnh đạo đã nhanh chóng xua đi sự lo lắng của bà bằng những câu hỏi thăm về gia đình và hoàn cảnh cá nhân. Trong cuộc gặp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để trao đổi cặn kẽ về những nội dung mà biên tập viên đã sửa chữa trong bản thảo. Đây là một cuộc trao đổi không có khoảng cách, mặc dù bà chỉ là một biên tập viên trẻ và ông là một lãnh đạo cấp cao.
“Khi đang trao đổi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hỏi tôi thích chương nào nhất trong cuốn sách. Tôi trả lời rằng, cháu không thể nói thích chương nào nhất vì cuốn sách có kết cấu chặt chẽ, mỗi chương đều đóng góp vào tổng thể của tác phẩm. Nhưng đồng chí đã gạt đi và nói, biên tập viên cần phải hiểu rõ bản thảo để biết đâu là chương trọng tâm, đâu là chương chính, chương phụ. Từ đó viết Lời Nhà xuất bản mới giới thiệu được nội dung cuốn sách, mới định hướng được độc giả. Khi biên tập cuốn sách nào, hãy cố gắng nhớ nội dung, nó sẽ bồi bổ cho mình về kiến thức và tích lũy dần, điều đó rất cần đối với một biên tập viên”, bà Phạm Thị Thinh nhớ lại.
Như vậy, bài học thứ hai mà bà học được là phải biên tập kỹ lưỡng và nắm rõ nội dung của bản thảo để trau dồi thêm kiến thức và truyền tải đúng thông điệp của sách đến bạn đọc.
Bài học về chăm lo đời sống cán bộ
Lần gặp thứ ba diễn ra sau khi cuốn sách đã được xuất bản. Lần này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời bà Phạm Thị Thinh đến gặp để gửi lại bà một phần nhuận bút. Với lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp, bà Thinh đã từ chối nhận phần quà này. Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục bà nhận với lý do cuốn sách vừa xuất bản là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học, ông đã có kinh phí của đề tài, bà là biên tập viên đã giúp ông chỉnh sửa cẩn thận để in thành sách rất khoa học, và rằng đây là quà của ông nhân dịp Ngày giải phóng Thủ đô.
Sự quan tâm này đã để lại trong bà Thinh những kỷ niệm đẹp và là nguồn động viên lớn lao, giúp bà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và công việc. Sau này nghĩ lại, bà hiểu rằng, món quà đó không phải nhân một dịp nào cả. Đó là sự quan tâm chăm lo cho cấp dưới, vì trong lần gặp trước, ông hỏi thăm và đã biết hoàn cảnh khó khăn của bà lúc đó. Chỉ cần một hành động rất nhỏ như vậy thôi của một lãnh đạo cấp cao cũng khiến người khác cảm động và có thêm động lực.Sự quan tâm và chia sẻ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn thể hiện qua những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như ông tặng bà những cây bút viết và căn dặn: Là người cầm bút, khi viết hay sửa bản thảo phải thật chắc chắn kẻo “gà lành chữa thành gà què”.
Cuốn sách đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà bà Phạm Thị Thinh biên tập. Ảnh: Đức Huy.
"Khi tôi hiểu ra điều này, tôi cũng đã cố gắng học tập ông, ứng xử đúng mực và luôn nghĩ cho người khác, quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ cấp dưới. Đấy là sự tinh tế của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi đã nhận ra sau những năm tháng được biên tập sách của ông”, bà Phạm Thị Thinh tâm sự.
Dù sau này, bà Thinh vẫn biên tập nhiều cuốn sách của Tổng bí thư nhưng khó có cơ hội gặp gỡ ông nhiều như cuốn sách đầu tiên. Nhưng ba lần gặp gỡ này cũng là những lần gặp gỡ quý giá đối với bà Thinh khi mới chập chững vào nghề.
Những kỷ niệm và bài học từ ba lần gặp gỡ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành những hành trang quý báu trong cuộc đời và sự nghiệp của bà Phạm Thị Thinh, giúp bà tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xuất bản sách lý luận chính trị, góp phần vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguồn: https://znews.vn