Chiều nay (08/7), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã có cuộc họp với Nhà xuất bản (NXB) Tư pháp về Chương trình phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Đề án sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp giai đoạn 2022-2026. Giám đốc NXB Tư pháp Hồ Quang Huy; Tổng biên tập Trần Mạnh Đạt và Phó Giám đốc Quách Văn Dương cùng tham dự cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, trong cơ cấu sách ở nước ta hiện nay, sách lý luận, chính trị có vị trí quan trọng và ý nghĩa to lớn trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức chung của xã hội, củng cố nền tảng tư tưởng chính trị, tăng cường giáo dục ý thức hệ sâu rộng trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp thời gian qua đạt hiệu quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp còn bộc lộ một số hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng Đề án Sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp giai đoạn 2022 - 2026 là nhiệm vụ cần thiết, mang ý nghĩa lâu dài và chiến lược của Bộ Tư pháp, góp phần thực hiện đúng định hướng của Đảng đã nêu trong Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản:
“Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đồng phù hợp với định hướng phát triển của ngành Tư pháp là làm sao công tác xây dựng và thi hành pháp luật thực sự gắn kết với nhau và phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương.
Mặt khác, việc xây dựng Đề án còn tiếp tục phát huy những kết quả trong công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp thời gian qua, đồng thời có những định hướng để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, góp phần vào việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước cũng như sự phát triển chung của Bộ, Ngành Tư pháp trong thời gian tới.
Tại cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã cho ý kiến chỉ đạo về một số nội dung của dự thảo Đề án, như: sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phạm vi, nội dung…; đồng thời, các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đã trao đổi thêm về định nghĩa sách lý luận, chính trị và góp ý về phạm vi sách lý luận, chính trị của đề án.
Đối với Chương trình phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật, đặc biệt là Kế hoạch Tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, nhằm: tạo nền tảng bước đầu cho thành lập diễn đàn giúp các nhà xuất bản có tiếng nói chung đối với những vẫn đề trọng đại liên quan đến toàn ngành Xuất bản cũng như giải quyết các vấn đề liên quan sự phát triển chung của các nhà xuất bản; huy động tốt nhất thế mạnh và nguồn lực, giúp các bên thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình đồng thời thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác phối kết hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà cơ quan cấp trên của hai đơn vị giao.
Các nội dung hợp tác giữa hai NXB, bao gồm: công tác xuất bản, phát hành (công tác biên tập; công tác phát hành sách, quảng bá và giới thiệu hình ảnh của mỗi bên…); công tác nghiên cứu khoa học và giao lưu, hợp tác trong một số lĩnh vực khác (sinh hoạt chuyên đề, văn hóa, thể thao).
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh:
“Việc tăng cường hợp tác trong công tác xuất bản nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của NXB Tư pháp trong giai đoạn hiện nay”. Thứ trưởng cũng gợi ý NXB Tư pháp cân nhắc thêm về hình thức tên gọi của Lễ ký và thời gian tổ chức buổi lễ…
N.D
Nguồn: moj.gov.vn