Hôm nay, Thứ bảy ngày 04 tháng 05 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm và ứng dụng ở Việt Nam

04/05/201

do TS. Trịnh Tiến Việt – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ biên

1. Những nội dung cơ bản của tác phẩm         
 Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nhất là kiến thức về phòng, chống tội phạm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; coi trọng giáo dục đạo đức, pháp luật, văn hóa, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp, đưa chương trình giáo dục phòng, chống tội phạm vào các nhà trường…”[1]. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu lý thuyết mới trong Tội phạm học để nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, qua đó thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội nêu trên là cần thiết, trong đó có Lý thuyết về kiểm soát xã hội đối với tội phạm.
Hiện nay, tiếp cận vấn đề kiểm soát xã hội đối với tội phạm là một Lý thuyết khoa học còn rất mới ở Việt Nam, mặc dù nội dung này đã và đang gián tiếp được nghiên cứu trong Tội phạm học và Xã hội học, đồng thời được xem như là sự nỗ lực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về hiện tượng tiêu cực nhất trong xã hội, hành vi lệch chuẩn ở mức cao nhất là tội phạm bởi các nhà hoạch định chính sách, đại biểu của nhân dân đến người dân. Chỉ trên cơ sở sự nỗ lực từ việc hoạch định chính sách, việc kiểm soát trong gia đình, tổ chức và xã hội đến việc thực hiện tốt các chương trình điều trị phục hồi, khắc phục những khiếm khuyết của cộng đồng, của cơ quan quản lý, điều hành, mối quan hệ gia đình, cơ quan, tổ chức và tội phạm và với các thiết chế xã hội, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật... mới có thể bảo đảm sự kiểm soát tội phạm trong xã hội một cách ổn định và bền vững, để hạn chế tối đa một ai đó có nguy cơ và trở thành nạn nhân của tội phạm.
Do đó, việc tiếp cận và giải quyết vấn đề kiểm soát xã hội đối với tội phạm đòi hỏi sự nghiên cứu liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực mà trọng tâm, chủ đạo là Tội phạm họcXã hội học. Bởi lẽ, nghiên cứu, đề xuất và xác lập những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chủ thể, phương tiện, phương thức kiểm soát xã hội đối với tội phạm, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đầy đủ, đồng bộ nhằm đạt hiệu quả cao trong phòng, chống tội phạm, có đủ khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào hoạt động kiểm soát tội phạm, nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa, kiềm chế sự gia tăng và giảm bớt tội phạm, tình hình tội phạm ẩn và tình hình tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong xã hội không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn có ý nghĩa chiến lược mang tầm quốc gia và quốc tế. Kiểm soát xã hội tốt đối với tội phạm chính là góp phần phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả cao, duy trì sự ổn định, trật tự và an bình trong xã hội.
Lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm và ứng dụng ở Việt Nam là cuốn sách chuyên khảo đề cập đến vấn đề kiểm soát xã hội đối với tội phạm do TS. Trịnh Tiến Việt - Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ biên với sự tham gia biên soạn của các giảng viên, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế như: GS. TS. Nguyễn Minh Đức (Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội); TS. Nguyễn Tiến Vinh, TS. Lê Lan Chi, TS. Nguyễn Khắc Hải, TS. Phan Thị Thanh Thủy (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); GS. TS. Yvon Dandurant (Đại học Phraser Valley, Canada).
Cuốn sách gồm 11 chương, chia làm 3 phần.  
PHẦN THỨ NHẤT
 
Giới thiệu một số vấn đề chung, gồm 2 chương, cụ thể:
Chương 1: Giới thiệu những quan điểm tiếp cận khác nhau về tội phạm như: Quan điểm về tội phạm dưới góc độ hành vi nguy hiểm cho xã hội; Quan điểm về tội phạm dưới góc độ tính trái pháp luật hình sự của tội phạm; Quan điểm về tội phạm dưới góc độ các quan hệ xã hội (khách thể) cần phải bảo vệ bằng pháp luật hình sự; Quan điểm về tội phạm dưới góc độ chủ thể của tội phạm; Quan điểm về tội phạm dưới góc độ lỗi của tội phạm; Quan điểm về tội phạm dưới góc độ hình phạt đối với tội phạm.
Chương 2: Nêu tính cấp thiết, nhu cầu và những thách thức của việc kiểm soát tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cụ thể là: Những tác động tiêu cực của tội phạm đến xã hội và nguyên nhân; Tính cấp thiết của việc kiểm soát tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Nhu cầu, những thách thức của việc kiểm soát tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
PHẦN THỨ HAI
Giới thiệu những nội dung cơ bản của lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm và ứng dụng ở Việt Nam, gồm 6 chương, cụ thể:
Chương 3: Tác giả nêu sơ lược quá trình hình thành và phát triển lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm trên thế giới và Việt Nam, trong đó giới thiệu về một số học giả tiêu biểu; một số công trình tiêu biểu, có giá trị và đối tượng nghiên cứu, ý nghĩa của việc nghiên cứu.
Chương 4: Tác giả đưa ra những tiếp cận mới về khái niệm kiểm soát xã hội đối với tội phạm trong tội phạm học Việt Nam, trong đó tác giả nêu lên những hành vi lệch chuẩn và kiểm soát xã hội; Kiểm soát tội phạm và kiểm soát xã hội đối với tội phạm - khái niệm mới trong Tội phạm học Việt Nam.
Chương 5: Tác giả giới thiệu hệ thống chủ thể, phương tiện, phương thức kiểm soát xã hội đối với tội phạm và thực tiễn ở Việt Nam.
Chương 6: Tác giả nêu vị trí, sự cần thiết của cơ chế phối hợp và cơ chế phối hợp giữa nhà nước với các thiết chế xã hội trong kiểm soát xã hội đối với tội phạm và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Một số kiến nghị hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa Nhà nước và các thiết chế xã hội trong hoạt động kiểm soát tội phạm ở Việt Nam.
Chương 7: Tác giả nêu các vấn đề lịch sử và hiện tại trong vai trò của các thiết chế xã hội trong kiểm soát xã hội đối với tội phạm ở Việt Nam như vai trò của chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư trong kiểm soát xã hội đối với tội phạm; Vai trò của thiết chế họ tộc và gia đình trong kiểm soát xã hội đối với tội phạm; Vai trò của các thiết chế tôn giáo trong kiểm soát xã hội đối với tội phạm; Một số vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của các thiết chế xã hội để nâng cao hiệu quả kiểm soát xã hội đối với tội phạm.
Chương 8: Tác giả giới thiệu về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kiểm soát xã hội đối với tội phạm và thực tiễn ở Việt Nam gồm: Tiêu chí về sự tác động của kiểm soát xã hội đối với tình hình tội phạm; Tiêu chí về mức độ kiểm soát đạt được trên đối tượng kiểm soát; Tiêu chí về phạm vi kiểm soát xã hội đối với tội phạm; Tiêu chí về mức độ thu hút các lực lượng xã hội và tính hợp lý trong cơ chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng xã hội tham gia kiểm soát tội phạm; Tiêu chí về chi phí kiểm soát tội phạm và khả năng cải tạo người phạm tội; Tiêu chí về các chỉ số xã hội về an toàn và hạnh phúc của con người hay tổng hạnh phúc quốc dân; Tiêu chí về ứng dụng của Lý thuyết “không gian phòng thủ”; Tiêu chí về sự thừa nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng quốc tế.
PHẦN THỨ BA
Kinh nghiệm quốc tế về lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm áp dụng cho Việt Nam hiện nay, gồm 3 chương, cụ thể:
Chương 9: Tác giả nêu khái niệm tái hòa nhập xã hội và phân biệt với các yếu tố khác về tái hòa nhập; Tầm quan trọng của các chương trình tái hòa nhập xã hội; Chuẩn mực quốc tế; Chương trình tái hòa nhập xã hội và các chương trình của cơ sở giam giữ, kế hoạch tiền phóng thích và kiểm soát tình hình tái hòa nhập xã hội.
Chương 10: Tác giả giới thiệu về khái niệm, mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp xã hội và kinh nghiệm nước Anh cũng như một số gợi ý cho Việt Nam về sự tham gia của doanh nghiệp xã hội trong kiểm soát xã hội, phòng ngừa tội phạm.
Chương 11: Về hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong điều kiện thành lập, củng cố cộng đồng ASEAN, trong đó tác giả giới thiệu khái niệm tội phạm xuyên quốc gia và những đặc điểm cơ bản; Sự khác biệt giữa tội phạm xuyên quốc gia với tội phạm quốc tế và tội phạm có yếu tố nước ngoài; Tính cấp thiết và trọng tâm kiểm soát tội phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong điều kiện thành lập, củng cố cộng đồng ASEAN; Cơ chế hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát tội phạm, đấu tranh phòng, chống các tội phạm xuyên quốc gia trong điều kiện thành lập, củng cố cộng đồng ASEAN; Những giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát tội phạm, đấu tranh phòng, chống các tội phạm xuyên quốc gia trong điều kiện thành lập, củng cố cộng đồng ASEAN.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích cho các nhà khoa học, luật gia, các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành luật hình sự, Luật tố tụng hình sự và Tội phạm học, cán bộ làm công tác thực tiễn tại các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, cũng như bất kỳ ai quan tâm đến chủ đề này.

2. Thông tin về tác phẩm
Mã sách: TPC-16-16
Tác giả: TS. Trịnh Tiến Việt – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội chủ biên.
Số trang: 520 - Kích thước: 14.5 x 20.5 - Năm xuất bản: 2016
Giá bán: 120.000 đồng
Nhà xuất bản Tư pháp trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc./.
 
Tổng hợp thông tin: Chi đoàn cơ sở Nhà xuất bản Tư pháp
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT