Có thể nói, thực chất của tiến trình đổi mới ở nước ta trong 35 năm qua (tính từ Đại hội VI của Đảng năm 1986) về mặt kinh tế là việc tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế tối ưu cho đất nước bằng việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp (tồn tại trước năm 1986) sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa2. Đi kèm với đó là sự chuyển đổi thể chế kinh tế từ thể chế của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên nền tảng công hữu sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng đa sở hữu. Tiến trình đổi mới tất yếu dẫn tới sự dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta đã chính thức xác định mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý. Tinh thần đó được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001. Chủ trương có tính chiến lược này cũng được kế thừa nhất quán trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII và XIII của Đảng cũng như trong Hiến pháp năm 2013.
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kể từ năm 1986 đến nay, Đảng đã hai lần ban hành Nghị quyết chuyên đề về chủ đề này, đó là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tinh thần các Nghị quyết này, nội dung cốt lõi của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là các quy định pháp luật (và tổ chức thi hành pháp luật) về sở hữu, quyền tài sản, pháp luật về đầu tư, kinh doanh (nhằm phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp), pháp luật về các loại thị trường (hàng hóa, dịch vụ, lao động, bất động sản, khoa học và công nghệ, tài chính…), pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường (nhằm gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu), pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực dân sự - kinh tế.
Theo đúng định hướng của Đảng, trong suốt 35 năm qua, trên cơ sở vừa tìm tòi từ thực tiễn cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế của Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia có nền kinh tế thị trường trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế, Việt Nam đã rất coi trọng công tác xây dựng thể chế (nhất là hệ thống pháp luật) phục vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một trong ba đột phá chiến lược; “hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh…” là một trong mười hai định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, “hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội…” là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Như vậy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với quan điểm đó, Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra một số nội hàm, giải pháp và nhiệm vụ mới cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về thuật ngữ thể chế, đây là khái niệm gồm nhiều yếu tố hợp thành và vẫn đang có một số cách hiểu khác nhau không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Thể chế - dưới góc độ là luật chơi trong xã hội - là các giới hạn hay áp đặt do con người tạo ra để tạo khuôn khổ cho tương tác của con người, có ba cấu thành quan trọng; đó là: các giới hạn chính thức (pháp luật), các giới hạn không chính thức (quy tắc ứng xử, xử thế) và việc thực thi. Từ góc độ kinh tế học, thể chế được đánh giá là sẽ tác động, quyết định đến ba vấn đề quan trọng, gồm: chi phí giao dịch, quyền đối với tài sản và hợp đồng. Cụ thể, một thể chế tốt sẽ giúp cho chi phí giao dịch ở mức thấp nhất; bảo vệ quyền đối với tài sản không bị tước đoạt, xâm phạm bởi chủ thể khác; đồng thời, thúc đẩy các giao dịch, hợp đồng liên quan các quyền đó giữa người dân, doanh nghiệp. Thể chế còn được định nghĩa là quy tắc, cơ chế thực thi và tổ chức, bộ máy. Do đó, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là các cấu thành quan trọng của thể chế.
Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần “tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư…”. Nói cách khác, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành hiệu quả pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam5.
Trong thời gian qua, công tác hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, cũng như xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế nói riêng, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được một số thành quả bước đầu, quan trọng. Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo.
Trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng, đã có nhiều đóng góp cụ thể qua công tác chủ trì xây dựng pháp luật; thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; phản ứng chính sách, pháp luật, trong đó có thể kể đến: chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015; thẩm định nhiều đạo luật rường cột của nền kinh tế thị trường, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động… và chùm nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều báo cáo rà soát pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội… hoặc ứng phó với đại dịch COVID-19; xây dựng các đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, giải quyết tranh chấp, về quyền đối với tài sản…; tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: tài sản mã hóa, tiền mã hóa, tiền ảo; kinh tế chia sẻ…
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải tiếp tục được hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đại hội XIII. Một trong các nhiệm vụ quan trọng trước mắt của quá trình này là khẩn trương: (i) rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ trong lĩnh vực dân sự - kinh tế theo hướng vướng mắc ở cấp nào (luật, nghị định, thông tư) thì chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện ở cấp đó; (ii) xây dựng khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo; (iii) ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, ứng phó với đại dịch COVID-19. Song song với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật nêu trên, việc tổ chức thi hành pháp luật cần phải được đẩy mạnh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng không làm, làm chậm hay làm không hiệu quả thì “đổ lỗi” cho pháp luật, cho thể chế. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với xác định rõ trách nhiệm và có kiểm soát quyền lực, tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Trong bối cảnh đó, công tác pháp luật dân sự - kinh tế đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, đầy thách thức.
Cuốn sách này là tập hợp 15 bài viết với các góc độ khác nhau từ thực tiễn công tác pháp luật dân sự - kinh tế nhưng đều xoay quanh chủ đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó có các bài viết nghiên cứu, giải mã một số hiện tượng pháp lý mới, phức tạp trong lĩnh vực dân sự - kinh tế với cách tiếp cận khá hiện đại, góp phần định hướng công tác hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các bài viết này thể hiện tâm huyết của những người làm công tác pháp luật dân sự - kinh tế từ các khía cạnh quản lý, thực tiễn và nghiên cứu với tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thật”; qua đó góp phần (dù rất nhỏ) đưa Văn kiện Đại hội XIII vào cuộc sống, “biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế”.
Đây cũng là một sản phẩm cụ thể, thiết thực để chào mừng 30 năm ngày thành lập Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp (24/8/1991 - 24/8/2021).
Các bài viết trong cuốn sách này đề cập đến nhiều vấn đề còn khá mới của pháp luật dân sự - kinh tế; trong khi các nhận định, đánh giá, kiến nghị liên quan chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả từng bài viết cụ thể. Một số nhận định, quan điểm cần tiếp tục được làm sâu sắc hơn. Do đó, cuốn sách có thể không tránh khỏi thiếu sót. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến nhận xét, góp ý mang tính xây dựng của bạn đọc.
Nội dung cuốn sách gồm 15 bài viết của các tác giả, cụ thể như sau:
- HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO YÊU CẦU CỦA VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG.
- NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN, QUAN TRỌNG CỦA VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
- HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TỪ THỰC TIỄN CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ - KINH TẾ
- VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP
- QUÁ TRÌNH CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH TỪ GÓC ĐỘ CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH CỦA BỘ TƯ PHÁP
- ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN ĐỒNG BỘ PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG ĐỂ TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 10 NĂM 2021 - 2030
- NGUYÊN TẮC TỰ DO THỎA THUẬN ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI
- HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ QUYỀN BỀ MẶT TRONG BỐI CẢNH HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
- MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ CHIẾM HỮU THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHIẾM HỮU
- DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA
- HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG VÀ QUYỀN SỞ HỮU TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ
- MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ CONDOTEL, OFFICETEL TẠI VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
- HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ VIỆC THỰC THI CỦA VIỆT NAM
- HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRONG BỐI CẢNH MỚI VÀ VAI TRÒ CỦA NGÀNH TƯ PHÁP
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2021:
- Khổ sách: 16 x 24
- Số trang: 400
- Giá bán: 225.000 đồng
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H