Tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Kiện - LS. Nguyễn Thị Huyền Trang (Đồng chủ biên)
Hiến pháp năm 2013 (Điều 13) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam lần đầu ghi nhận khái niệm người bị buộc tội, trong đó người bị tạm giam được coi là người bị buộc tội nhằm tương thích với pháp luật quốc tế. Pháp luật quốc tế coi khái niệm “người phạm tội” ở diện rộng, gồm nhiều chủ thể là người bị tình nghi, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị kết án và kể cả những người bị khởi tố nhưng không giam giữ trong các giai đoạn của tố tụng hình sự. Tuy nhiên, khác với pháp luật quốc tế, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam không quy định rõ chủ thể tham gia tố tụng là người bị tình nghi, chỉ được hiểu trong suy đoán lập luận mà thôi. Và người bị kết án có được xem là “người phạm tội” hay không, cũng không được pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam khẳng định rõ, mà người ta thường hiểu người bị kết án chính là người có tội. Trong khi pháp luật nhiều nước trên thế giới chỉ gọi là bị can (nghi can) hoặc gọi là người bị tình nghi xuyên suốt quá trình tố tụng, mà không gọi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mang tính chất phân chia theo các giai đoạn tố tụng như ở Việt Nam. Cách gọi người bị tình nghi (nghi can) của pháp luật quốc tế sẽ thuận lợi, phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội cả về mặt nhận thức, cũng như hành động thực tiễn. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng lại không xác định người tham gia tố tụng là nghi can (người bị tình nghi) là một hạn chế lớn về mặt lập pháp, ảnh hưởng đến tư duy của cán bộ và thực tiễn bảo đảm quyền con người của người phạm tội. Ví dụ như trong môi trường trại tạm giam, trại giam cán bộ có thẩm quyền dễ có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bị tạm giam.
Người bị giam, giữ liên quan đến chính trị, xã hội của mỗi quốc gia và việc bảo đảm quyền con người của đối tượng này là vô cùng quan trọng, do vậy pháp luật quốc tế quan tâm điều chỉnh bằng các cơ chế pháp lý chung, mang tính chuẩn mực, với các hình thức cơ bản nhất là điều ước quốc tế và công ước quốc tế. Pháp luật quốc tế với mong muốn chung cần đạt được là chống tra tấn, đối xử vô nhân đạo đối với người bị giam, giữ và bảo vệ, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của họ, cũng chính là bảo vệ phẩm giá của con người và của nền văn minh nhân loại. Tinh thần của các văn kiện quốc tế liên quan đến nội dung bảo vệ quyền cho người bị giam, giữ và tù nhân, là lo ngại và ngăn cấm việc lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn nhiều công ước quốc tế nhằm bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nói chung, người bị tạm giam nói riêng, theo tinh thần cụ thể hóa các văn kiện quốc tế.
Quyền của người bị tạm giam được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định theo hướng ngày càng tiến bộ hơn, được cụ thể hóa theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện quốc tế về quyền con người. Theo đó những nội dung tiến bộ và các chuẩn mực chung về quyền con người trên thế giới được thừa nhận. Quyền con người của người bị tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau; riêng ở khía cạnh các nguyên tắc tố tụng hình sự, quyền con người của người bị tạm giam được bảo đảm bởi các nhóm quyền cơ bản: (i) nhóm quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người; (ii) nhóm quyền được xét xử công bằng; (iii) nhóm quyền về dân sự, chính trị - xã hội khác.
Vì vậy, trong công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam, việc luận giải các cơ sở pháp lý liên quan đến quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần trang bị tri thức khoa học, nhận thức luận về quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cuốn chuyên khảo “Biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam” góp phần làm rõ nội hàm của chính sách hình sự ở Việt Nam tác động tích cực đến việc bảo đảm pháp lý và bảo đảm thực tiễn đối với người bị tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam, trong đó chính sách pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự và thi hành án hình sự là nền tảng bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam.
Cuốn sách đã đánh giá khá toàn diện, đầy đủ và có hệ thống về thực trạng quy định của pháp luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam về bảo đảm quyền của người bị tạm giam, trong đó nêu bật những mặt tích cực, tiến bộ của pháp luật Việt Nam trong việc cụ thể hóa các quyền cơ bản của người bị tạm giam.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn áp dụng biện pháp tạm giam ở quy mô toàn quốc và điển hình tại tỉnh Bình Phước, đặc biệt là đã khảo sát 300 người bị tạm giam trong một số trại tạm giam, nhà tạm giữ ở một số tỉnh thành, các tác giả làm rõ những nguyên nhân của hạn chế, tồn tại từ thực tiễn, từ đó đề xuất một số giải pháp về mặt lập pháp và trên phương diện thực tiễn về bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam. Ngoài phân tích các quan điểm được thừa nhận chung, để thể hiện rõ tính chất chuyên khảo, Nhà xuất bản giữ nguyên một số ý kiến của các tác giả trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo và có ý kiến trao đổi. Hy vọng cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên ở các cơ sở đào luật, đặc biệt là học viên, nghiên cứu sinh ở chương trình đào tạo sau đại học và các cán bộ làm công tác thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.
Nội dung cuốn sách gồm 3 Chương với những nội dung chính như sau:
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Quyền con người của người bị tạm giam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam
1.1. Về mặt chính sách hình sự
1.2. Quyền con người của người bị tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam được dựa trên các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế về quyền con người
2. Các nội dung cơ bản bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam
2.1. Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giam (chính là bảo vệ người bị buộc tội) bằng hệ thống các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự
2.2. Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giam bằng các thủ tục tố tụng hợp lý, dân chủ, thuận lợi, tránh làm oan, sai, gây thiệt hại
2.3. Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giam bằng việc phân định hợp lý thẩm quyền, nghĩa vụ của người có thẩm quyền giải quyết vụ án và họ phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền cho người bị tạm giam
2.4. Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giam thông qua vai trò tích cực của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân
2.5. Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giam thông qua vai trò chủ động của luật sư
Chương 2. THỰC TRẠNG BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI KHI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TẠM GIAM
1. Thực trạng quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam về bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
1.1. Quá trình hình thành, phát triển của quy định về bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam
1.2. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 về bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
1.3. Bảo đảm quyền cho người bị tạm giam trong các biện pháp điều tra cụ thể
1.4. Sự bảo đảm về các quyền tố tụng và các quyền căn bản về chính trị, dân sự, quyền tự do, bí mật cá nhân của người bị tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam
2. Thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 về bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
2.1. Ý nghĩa chính trị - xã hội là kết quả đạt được cơ bản nhất khi áp dụng biện pháp tạm giam trong hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thi hành án hình sự
2.2. Ý nghĩa thực tiễn khi áp dụng biện pháp tạm giam
2.3. Phân tích, đánh giá thực tiễn thực hiện biện pháp tạm giam trên quy mô toàn quốc
2.4. Ví dụ điển hình về thực hiện tạm giam tại tỉnh Bình Phước
2.5. Phân tích kết quả khảo sát áp dụng thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam và thực hiện quyền, chế độ cho người bị tạm giam
3. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
Kết luận chương 2
Chương 3. GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI KHI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
1. Nhu cầu của bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam
2. Giải pháp về mặt lập pháp và trên phương diện thực tiễn về bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam
2.1. Về mặt lập pháp
2.2. Các biện pháp bảo đảm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 về quyền con người của người bị tạm giam
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2021:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5
- Số trang: 232
- Giá bán: 120.000 đồng
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H