Hôm nay, Chủ nhật ngày 28 tháng 04 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn

07/10/202

Tác giả: GS.TS. Lê Hồng Hạnh - TS. Lê Đình Vinh

Phát triển bền vững được định nghĩa là phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Khái niệm nhu cầu không chỉ giới hạn ở nhu cầu vật chất mà bao gồm các giá trị, mối quan hệ, tự do suy nghĩ, hành động. Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của Liên hợp quốc tháng 9 năm 2015 diễn ra tại New York đã thông qua Văn kiện “Sự thay đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. 193 quốc gia tham gia phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 mục tiêu liên kết. Phát triển bền vững có nghĩa là tăng trưởng phải toàn diện và hợp lý với yêu cầu BVMT, giảm nghèo và xây dựng sự thịnh vượng chung cho thế hệ hôm nay và tiếp tục đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững đề cao việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho con người, Trái Đất và vì sự thịnh vượng chung. Như vậy, phát triển bền vững đó là phát triển hài hoà giữa ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Cho đến thời điểm hiện tại, hàng năm, Liên hợp quốc đều ban hành báo cáo phát triển bền vững để đánh giá tiến trình đi đến mục tiêu này. Báo cáo gần đây nhất vào tháng 7 năm 2018 cho thấy dù đã có những thành tựu nhất định, song tiến trình để đảm bảo rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau thì vẫn chưa đủ nhanh để có thể đáp ứng được các mục tiêu của phát triển bền vững. Thực tế, tiến trình hiện nay chưa đáp ứng được các tham vọng của Chương trình nghị sự. Vì vậy, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa từ các nước và các chủ thể ở tất cả các cấp.
Trong xã hội hiện đại, một quốc gia không thể phát triển nếu thiếu các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nền tảng phát triển của bất cứ quốc gia nào xét ở các khía cạnh tăng trưởng, xã hội, an ninh, văn hoá. Với Việt Nam, quốc gia đang phát triển, đang tiến hành chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc thúc đẩy khởi nghiệp, việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đã trở thành một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp cần được nhìn nhận từ một góc độ khác, đó là việc đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, theo đó, tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường được coi là ba trụ cột, kết nối thành nền tảng không được phá vỡ. Thực tiễn ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây cho thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng trở nên đáng báo động. Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia mà vấn đề doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đang trở thành vật cản lớn cho mục tiêu phát triển bền vững. Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, của làng nghề gây ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến. Những vụ việc như Vedan, Formosa là quá lớn và được nhiều người biết đến, tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của tảng băng ô nhiễm môi trường chứa đựng những con số đáng lo ngại hơn, đó là sự xuất hiện làng ung thư, hồ nước chết, con sông chết, những thôn, bản bị sụt lún do các hoạt động của doanh nghiệp. Ô nhiễm môi trường và thiệt hại từ ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp hầu như chưa được xác định một cách tương ứng với thiệt hại gây ra. Sự bất cân xứng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về tính thống nhất nội tại của hệ thống pháp luật ở khía cạnh bảo đảm quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Những phân tích trên cho thấy sự cần thiết phải tháo gỡ những rào cản pháp lý trong việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp bồi thường những thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm trong sản xuất, kinh doanh gây ra. Hoàn thiện các quy định pháp luật về xác định trách nhiệm này của doanh nghiệp và thực thi chúng trong thực tiễn sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy bảo vệ môi trường, thực hiện được chiến lược phát triển bền vững, đồng thời giúp nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong kiểm soát các rủi ro môi trường, từ đó hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, với các rào cản pháp lý được tháo gỡ, những người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường có cơ hội thuận lợi trong việc bảo vệ hiệu quả hơn những quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Chuyên khảo này được biên soạn trên nền tảng các chuyên đề, các bài báo, kết quả khảo sát của Đề tài khoa học cấp Bộ “Những vấn đề pháp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam” thuộc chương trình nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp năm 2018-2019. Viện Khoa học pháp lý là cơ quan chủ quản, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN chủ trì thực hiện và do GS.TS. Lê Hồng Hạnh làm chủ nhiệm.
Chuyên khảo “Pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn” tập trung chủ yếu vào các yếu tố thể chế của Việt Nam về trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Do phạm vi thiệt hại môi trường, xác định thiệt hại môi trường, quan hệ nhân quả giữa thiệt hại môi trường và hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường là rất rộng và phức tạp nên Chuyên khảo hướng tới lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nguy cơ gây ô nhiễm của nó, từ đó xác định các yếu tố thể chế về trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường phát sinh. Chuyên khảo nghiên cứu pháp luật bảo vệ môi trường và chế định bồi thường thiệt hại ở một số quốc gia nhằm có được những so sánh cần thiết. Các quốc gia được lựa chọn gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức và Australia. Các khía cạnh quốc tế của trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường cũng được nghiên cứu không chỉ ở góc độ so sánh mà cả ở đề xuất áp dụng những quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chuyên khảo nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, một trong những từ khoá cơ bản của Chuyên khảo là thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gây ra. Tuy nhiên, để thuận lợi trong việc trình bày, mô tả, trong Chuyên khảo, khái niệm thiệt hại môi trường được sử dụng và mặc định cho thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gây ra.
Nội dung cuốn sách gồm 7 Chương với những nội dung chính như sau:
CHƯƠNG 1. MỘT SỐ KHÍA CẠNH PHÁP LÝ VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG TRONG MỘT SỐ NGHIÊN CỨU ĐÃ CÔNG BỐ
1.1. Bồi thường thiệt hại môi trường trong các nghiên cứu quốc tế
1.2. Bồi thường thiệt hại môi trường trong các nghiên cứu ở Việt Nam
CHƯƠNG 2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN CỦA CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG
2.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường nhìn từ góc độ phát triển bền vững
2.2. Phát triển bền vững và những vấn đề đặt ra đối với bảo vệ môi trường ở cấp vi mô
2.3. Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường - Thách thức về thể chế
CHƯƠNG 3. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG
3.1. Một số khía cạnh lý luận về quan hệ bồi thường thiệt hại môi trường
3.2. Doanh nghiệp và vấn đề bồi thường thiệt hại môi trường
CHƯƠNG 4. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT MỘT SỐ QUỐC GIA
4.1. Pháp luật môi trường quốc tế và vấn đề bồi thường thiệt hại môi trường
4.2. Thiệt hại môi trường và phân loại thiệt hại môi trường trong pháp luật nước ngoài
4.3. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế
4.4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường theo pháp luật Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản
CHƯƠNG 5. MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG
5.1. Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của doanh nghiệp - Thiệt hại môi trường và pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam
5.2. Pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường
CHƯƠNG 6. THÁCH THỨC MÔI TRƯỜNG TRONG KỶ NGUYÊN FTA VÀ THỂ CHẾ HƯỚNG TỚI HIỆU QUẢ CỦA TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG
6.1. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và những thách thức môi trường ở Việt Nam
6.2. Xu hướng phát triển của pháp luật môi trường, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật thương mại nhìn từ trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường
6.3. Các kiến nghị hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả chế định bồi thường thiệt hại môi trường thúc đẩy phát triển bền vững
CHƯƠNG 7. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG
7.1. Một số hạn chế của thể chế hiện hành về bồi thường thiệt hại môi trường qua thực tiễn thi hành
7.2. Những kiến nghị hoàn thiện thể chế về bồi thường thiệt hại môi trường
7.3. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường
7.4. Kiến nghị nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các kiến nghị khác
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2021:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5
- Số trang: 400
- Giá bán: 150.000 đồng
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT