Hôm nay, Thứ năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay

30/09/202

Tác giả: TS. Trần Trí Dũng

Công lý về mặt ngữ nghĩa, thường được hiểu là cái lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội; là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi chính đáng của mọi người. Công lý là sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng đắn, lẽ phải, thường được dùng trong đời sống pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động tư pháp... Trong ngôn ngữ tiếng Anh, từ “justice”, được dịch là “công lý” chứa nhiều nghĩa: Là phẩm chất vô tư hoặc không thiên vị (the quality of being just or fair); là thẩm quyền phán xét những vấn đề trước Tòa án (a public official authorized to decide questions brought before a court of justice); là phù hợp với những quy tắc ngay thẳng và chính trực trong mọi việc (conformity to the principles of righteousness and rectitude in all things)…
Luận giải về công lý, các học giả nghiên cứu đã đưa ra nhiều khái niệm khác nhau, nhưng nhìn chung chúng thuộc về hai góc độ tiếp cận cơ bản: Góc độ công lý là công bằng và góc độ công lý là những lẽ chung đúng đắn.
Công lý là những lẽ đúng đắn được thừa nhận chung trong xã hội, làm cơ sở để phán xét, để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm nhất định. Theo nghĩa tiếng Việt, “lẽ” là điều thường thấy ở đời, được coi là hợp với quy luật, với đạo lý, hoặc là lý do giải thích, là nguyên nhân của sự việc; còn “đúng đắn” là phù hợp với thực tế, quy luật, lẽ phải, đạo lý, không có gì sai. “Những lẽ đúng đắn được thừa nhận chung trong xã hội” sẽ được thể hiện khái quát ở những nội dung sau đây:
Thứ nhất, công lý luôn chứa đựng sự thật khách quan và sự tôn trọng sự thật khách quan.
Thứ hai, công lý gắn với sự đề cao, tôn trọng phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của con người.
Thứ ba, công lý có mối liên hệ với sự tôn trọng truyền thống văn hóa và tín ngưỡng.
Thứ tư, công lý chứa đựng quy tắc “có đi có lại” trong các mối quan hệ của con người.
Thứ năm, công lý gắn với sự tôn trọng các cam kết, thỏa thuận do các bên tự nguyện tham gia trên cơ sở “có đi có lại” để xác lập quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Thứ sáu, công lý luôn hướng đến các giá trị và liên quan đến việc đánh giá các giá trị. Giá trị là điều mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người.
Thứ bảy, công lý có liên hệ chặt chẽ với yêu cầu về tính lô-gích hình thức.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công lý từng bước được khẳng định và chiếm một vị trí trọng yếu trong đời sống chính trị - pháp lý - xã hội của Việt Nam. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý là một trong những phương thức quan trọng, hữu hiệu để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định, công lý vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nhiệm vụ của hoạt động tư pháp: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người…”; “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”; “đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”; “bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Đến Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016, Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu chiến lược là xây dựng nền tư pháp “trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”.
Ghi nhận những giá trị của công lý và thể chế hóa các văn kiện nêu trên, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một cách mạnh mẽ, bảo vệ công lý là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, gắn với Tòa án nhân dân - cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp của Việt Nam: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Trong công tác tư pháp, Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Có thể nói, trọng trách bảo vệ công lý của Tòa án nhân dân được tập trung vào hoạt động xét xử.
Với mong muốn giới thiệu tới độc giả một góc nhìn về vấn đề công lý và thực tiễn bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn chuyên khảo: “Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay” của TS. Trần Trí Dũng. Cuốn sách được tác giả phân tích và luận giải khá sâu sắc, đồng thời nêu ra một số nội dung có thể còn được tiếp tục nghiên cứu về vấn đề bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
* Nội dung cuốn sách bao gồm:
CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN VỀ CÔNG LÝ
I. Khái niệm công lý
II. Đặc điểm cơ bản của công lý
III. Nội dung cơ bản của công lý
IV. Phương thức thực hiện công lý
V. Phân loại công lý
VI. Các mối quan hệ cơ bản của công lý
1. Quan hệ giữa công lý với văn hóa pháp lý
2. Quan hệ giữa công lý với pháp chế
3. Quan hệ giữa công lý với điều chỉnh pháp luật
4. Quan hệ giữa công lý với giải thích pháp luật
CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
I. Hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
1. Khái niệm và đặc điểm của hoạt động xét xử
2. Các yếu tố của hoạt động xét xử
II. Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
1. Khái niệm và đặc điểm của bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử
2. Nội dung bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử
III. Phương thức bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử
1. Hoạt động đánh giá chứng cứ
2. Hoạt động điều hành phiên tòa
IV. Điều kiện cơ bản đảm bảo công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
1. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền
2. Đảm bảo tính độc lập và uy quyền của Tòa án
3. Đạo đức, năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ xứng đáng
4. Đảm bảo về mặt pháp lý
5. Đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất
CHƯƠNG 3: QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN HIỆN NAY
I. Khái quát các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý từ năm 1945 đến trước năm 2013
II. Các quy định pháp luật cơ bản về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý từ năm 2013 đến nay
1. Nội dung bảo đảm cho Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý
2. Nội dung quy định trực tiếp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
CHƯƠNG 4: THỰC TIỄN BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN HIỆN NAY
I. Kết quả, thành tựu trong thực tiễn xét xử bảo vệ công lý của Tòa án nhân dân
1. Thành tựu ở hoạt động thực hiện nội dung bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử
2. Thành tựu ở phương thức bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử
3. Thuận lợi ở điều kiện cơ bản đảm bảo công lý trong hoạt động xét xử
II. Hạn chế, bất cập trong thực tiễn xét xử bảo vệ công lý của Tòa án nhân dân
1. Hạn chế ở hoạt động thực hiện nội dung bảo vệ công lý
2. Hạn chế ở phương thức bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử
3. Hạn chế ở điều kiện cơ bản đảm bảo công lý trong hoạt động xét xử
Chương 5: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
I. Quan điểm tăng cường bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
1. Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân
2. Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và bảo vệ quyền con người trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay
3. Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa
4. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay
5. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài về bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử để áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam
II. Giải pháp tăng cường bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
1. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về thực hiện quyền tư pháp
2. Nhận thức đúng về vai trò của công lý trong đời sống nhà nước và xã hội pháp quyền xã hội chủ nghĩa
3. Hoàn thiện mô hình bảo vệ Hiến pháp hiện nay để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý của Tòa án nhân dân
4. Bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp
5. Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân
6. Tăng cường hoạt động bổ trợ tư pháp, đặc biệt là vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng và tư vấn pháp lý
7. Hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ xét xử
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2020:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5.
- Số trang: 300.
- Giá bán: 110.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT