Hôm nay, Thứ sáu ngày 29 tháng 03 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

37 án lệ đầu tiên của Việt Nam - Phân tích và luận giải

28/12/202

Công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta bước sang giai đoạn quan trọng từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, theo đó, Tòa án nhân dân tối cao cần “tập trung làm tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn các tòa án áp dụng pháp luật thống nhất”. Tiếp theo, ngày 02-6-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Với Nghị quyết này, lần đầu tiên Tòa án nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ phát triển án lệ.
Thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, ngày 24-11-2014 Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-6-2015), trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “lựa chọn…, phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Ngày 28-10-2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Cũng trong năm 2015, vào ngày 24-11-2015 Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự với quy định tại Điều 6 của Bộ luật cho phép áp dụng án lệ trong trường hợp không có pháp luật và cũng không thể áp dụng tương tự pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự.
Kể từ án lệ đầu tiên được công bố ngày 06-4-2016 đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 37 án lệ hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp áp dụng thống nhất pháp luật. Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể. Để có thể áp dụng án lệ một cách phù hợp cần hiểu rõ các tình tiết cụ thể của vụ việc mà dựa vào đó án lệ đã được xây dựng cũng như các lập luận pháp lý của Tòa án đối với các tình tiết đó. Vì vậy, việc nghiên cứu và phân tích các án lệ là công việc rất hữu ích và cần được khuyến khích.
Cuốn sách “37 án lệ đầu tiên của Việt Nam - Phân tích và luận giải” được Luật sư, Tiến sỹ Lưu Tiến Dũng, người đã có hơn ba mươi năm hành nghề luật và đã có thời gian công tác tại Ban Thư ký Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, là Thư ký một số phiên tòa giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - Cơ quan xét xử cao nhất và có thẩm quyền lựa chọn án lệ, hiện là Thành viên Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn YKVN - một trong những công ty luật hàng đầu của Việt Nam, biên soạn một cách công phu với cách tiếp cận phân tích các án lệ xuất phát từ các quy định sẵn có của pháp luật nhằm góp phần hiểu rõ và khái quát hơn nội dung các kết luận pháp lý của các án lệ đã được ban hành.
* Nội dung cuốn sách bao gồm:
- Phân tích và luận giải các Án lệ đã được công bố (từ Án lệ số 01 đến Án lệ số 37).
- Phần Phụ lục: Tác giả giới thiệu các trường phái Án lệ trên thế giới - Mô hình nào cho Việt Nam. Phần này, ngoài việc tìm hiểu sự cần thiết của việc tìm hiểu các trường phái Án lệ phổ biến trên thế giới, tác giả đã giới thiệu về Mô hình Án lệ mang tính ràng buộc, Mô hình Án lệ mang tính tham khảo và mô hình lựa chọn của Việt Nam.
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản tháng 11 năm 2020:
- Khổ sách: 17 x 24.
- Số trang: 728.
- Giá bán: 300.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT