Hôm nay, Thứ năm ngày 25 tháng 04 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Giá trị bình đẳng trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (sách chuyên khảo)

16/11/202

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê (Chủ biên) được Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học phát hành năm 1997 thì bình đẳng có nghĩa là: “Ngang hàng nhau về địa vị và quyền lợi. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nam nữ bình đẳng. Đối xử bình đẳng”. Nói đến “bình đẳng” theo nghĩa chung nhất là nói đến sự so sánh mang tính xã hội giữa hai hay nhiều đối tượng cụ thể. Thông qua sự so sánh đó cho thấy giữa các đối tượng này ngang hàng nhau về thứ bậc, về địa vị, về cơ hội, về quyền lợi và nghĩa vụ. Việc ngang hàng nhau này không thể định lượng được một cách cụ thể mà nó được đánh giá trên cơ sở các chuẩn mực và tiêu chí mang tính xã hội. Ví dụ như: Bình đẳng giới là sự ngang hàng nhau về thứ bậc giữa các giới tính khác nhau trong cùng một xã hội. Một người nào đó bất kể là nam hay nữ hoặc “giới thứ ba” thì cũng đều có cơ hội thể hiện trong xã hội ngang nhau, có thứ bậc, địa vị, quyền lợi, nghĩa vụ... như nhau về mặt xã hội; Bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc đó là sự ngang nhau về mặt xã hội giữa các quốc gia, dân tộc đang sinh sống, không có quốc gia, dân tộc nào bị coi là thấp kém hơn quốc gia, dân tộc khác và ngược lại không có quốc gia, dân tộc nào được coi là đứng trên, trị vì quốc gia, dân tộc khác, trong xã hội tất cả đều có cơ hội phát triển như nhau; Bình đẳng trong cách đối xử là chỉ cách đối xử như nhau, tương đương nhau về mặt xã hội của một chủ thể với các chủ thể khác nhau.
Nói đến giá trị tức là nói đến lợi ích, ý nghĩa của một sự vật, hiện tượng này với một sự vật, hiện tượng khác. Như vậy, có thể hiểu giá trị của bình đẳng đó chính là ý nghĩa, lợi ích của nó đem lại cho xã hội. Với ý nghĩa đó thì giá trị của bình đẳng trong pháp luật là sự thể chế hóa các giá trị của bình đẳng vào trong các quy định pháp luật, làm cho pháp luật văn minh hơn, tiên tiến hơn, giúp ích được cho cộng đồng, cho xã hội, phù hợp với văn minh và tiến bộ của nhân loại.
Tố tụng hình sự là cách thức, trình tự tiến hành các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định. Các giai đoạn của tố tụng hình sự bao gồm: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tố tụng hình sự nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; không để một người nào bị khởi tố, bị tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật; việc điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu pháp luật tố tụng hình sự là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bắt đầu khi có thông tin về tội phạm và kết thúc khi quyết định xử lý tội phạm và người phạm tội với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm; mặt khác, nhanh chóng, kịp thời phát hiện tội phạm và hành vi phạm tội, xử lý nghiêm minh, triệt để một cách chính xác, khách quan, toàn diện, không bỏ lọt tội phạm, đồng thời cũng không làm oan người vô tội, góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, chế độ xã hội, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như giáo dục ý thức tuân theo pháp luật.
Luật tố tụng hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định thẩm quyền, cách thức, trình tự tiến hành các hoạt động của các chủ thể khác nhau trong việc giải quyết một vụ án hình sự. Trong đó, bình đẳng đã trở thành một nguyên tắc cơ bản mang tính quy luật. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015, giá trị bình đẳng được ghi nhận tại Điều 9 “Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”; “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” với ý nghĩa là nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trên cơ sở đó giá trị bình đẳng tiếp tục được cụ thể hóa trong từng chế định cụ thể của Bộ luật, xuyên suốt và gắn với toàn bộ tiến trình tố tụng.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, quá trình vận động, phát triển của xã hội không ngừng, các quy định của BLTTHS cần nghiên cứu, tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp, trong đó có các quy định chứa đựng giá trị bình đẳng nhằm bảo vệ một cách hiệu quả nhất các quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quá trình giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, khách quan, toàn diện, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Với mục đích góp phần cung cấp cho độc giả nghiên cứu chuyên sâu về giá trị bình đẳng trong luật TTHS Việt Nam, trong BLTTHS năm 2015, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn chuyên khảo “Giá trị bình đẳng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam” của TS. Nguyễn Đức Hạnh.
Để thể hiện rõ tính chất chuyên khảo, ngoài việc phân tích số ý kiến, quan điểm của tác giả trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo và có ý kiến trao đổi.
* Nội dung cuốn sách gồm 3 Chương:
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
I. MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG VÀ PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Giá trị bình đẳng trong pháp luật
2. Pháp luật tố tụng hình sự
3. Phân biệt giá trị bình đẳng trong pháp luật tố tụng hình sự và một số khái niệm khác có nội dung liên quan mật thiết
II. LƯỢC KHẢO VỀ NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG BÌNH ĐẲNG TRONG LỊCH SỬ TƯ PHÁP HÌNH SỰ THẾ GIỚI
III. SỰ THỂ HIỆN CỦA GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG CÁC MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ CHỨC NĂNG TỐ TỤNG
1. Giá trị bình đẳng đối với mô hình tố tụng hình sự
2. Giá trị bình đẳng trong mô hình tố tụng thẩm vấn (xét hỏi)
3. Giá trị bình đẳng trong mô hình tố tụng tranh tụng
4. Giá trị bình đẳng trong mô hình tố tụng pha trộn (đan xen)
5. Giá trị bình đẳng đối với nguyên tắc của tố tụng hình sự
6. Giá trị bình đẳng đối với các chức năng của tố tụng hình sự
7. Giá trị bình đẳng trong việc thực hiện một số thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự
Chương 2. SỰ THỂ HIỆN CỦA GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
I. MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
II. SỰ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TRƯỚC KHI CÓ BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015
1. Cơ sở ghi nhận giá trị bình đẳng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
2. Khái quát lịch sử ghi nhận giá trị bình đẳng trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
III. SỰ THỂ HIỆN CỦA GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
1. Giá trị bình đẳng trong một số nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
2. Giá trị bình đẳng thể hiện trong một số quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
IV. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC KHI THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ BẢO ĐẢM GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG
1. Trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng
2. Trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tố tụng
3. Trong việc thực hiện hoạt động chứng minh
V. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC KHI THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ BẢO ĐẢM GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG
Chương 3. HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHẰM BẢO ĐẢM GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHẰM BẢO ĐẢM GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
II. HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
III. CÁC BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHẰM BẢO ĐẢM GIÁ TRỊ BÌNH ĐẲNG TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản tháng 6 năm 2020:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5
- Số trang: 148
- Giá bán: 70.000 đồng
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H.
 
 
 
 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT