Hôm nay, Thứ năm ngày 18 tháng 04 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Án lệ và bình luận (Quyển 1 và Quyển 2)

09/11/202

Ở các quốc gia trên thế giới, án lệ được áp dụng như một phương thức nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ việc tại Tòa án. Án lệ xuất hiện trong Hệ thống Thông luật (Common Law) từ đầu thế kỷ XI. Việc áp dụng án lệ qua nhiều thế kỷ tại các quốc gia có truyền thống Thông luật đã đi đến sự thừa nhận nguyên tắc các Thẩm phán phải tuân theo án lệ khi xét xử (Stare Decisis). Trong hệ thống Luật Dân sự (Civil Law), lịch sử pháp luật La Mã đã ghi nhận bản tập hợp các bản án và những phân tích kèm theo (Digest) được coi là có giá trị pháp lý tương tự như luật khi được các Thẩm phán sử dụng. Trải qua các thời kỳ từ chỗ thừa nhận án lệ đến từ bỏ án lệ và đến thế kỷ XX, ở nhiều quốc gia có truyền thống Luật Dân sự, vai trò của án lệ lại được đề cao.
Kể từ năm 2005, với việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Đảng ta đã xác định việc nghiên cứu và phát triển án lệ là một trong những mục tiêu của cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và giao cho Tòa án nhân dân tối cao triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ…”; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử…; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc áp dụng án lệ, nhiều đạo luật quan trọng được Quốc hội khóa XIII ban hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đã quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ để điều chỉnh các quan hệ dân sự, viện dẫn án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Trên cơ sở đó, ngày 28-10-2015, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và sau đó là Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, kể từ năm 2016 đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố rất nhiều án lệ trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính và tố tụng. Mặc dù số lượng án lệ được lựa chọn, công bố chưa nhiều nhưng các án lệ được ban hành là dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ mới của Tòa án nhân dân, góp phần tích cực vào việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm công bằng, công lý, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.
Để thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử của Tòa án; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận với các án lệ đã được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng cuốn Án lệ và Bình luận” với nội dung tập hợp các án lệ đã được ban hành và những bình luận về án lệ - đây cũng là kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới có sử dụng án lệ.
Cuốn “Án lệ và Bình luận” được Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, phát hành ấn phẩm đầu tiên vào tháng 6/2018 (Quyển 1) với nội dung tập hợp 16 án lệ đã được ban hành trong hai năm 2016 - 2017 và bình luận về các án lệ này. Sau khi phát hành, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm và phản hồi, đánh giá tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài Tòa án. Cho đến nay, Cuốn “Án lệ và Bình luận” - Quyển 1 không chỉ trở thành tài liệu có giá trị cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử của Tòa án mà còn giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn về các án lệ được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp lý. Sau hơn một năm phát hành Cuốn “Án lệ và Bình luận” - Quyển 1, tiếp nối thành công của ấn phẩm đầu tiên, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục xây dựng và trân trọng giới thiệu Cuốn “Án lệ và Bình luận” - Quyển 2 với nội dung tập hợp 13 án lệ đã được công bố trong hai năm 2018 - 2019 và bình luận về các án lệ này.
Tòa án nhân dân tối cao mong nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài Tòa án; sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển án lệ nói chung và việc phát hành các ấn phẩm tiếp theo nói riêng.
Thông tin các quyển như sau:
* Quyển 1:
- Nội dung: tập hợp 16 án lệ đã được ban hành trong hai năm 2016 - 2017 và bình luận về các án lệ này
- Khổ sách: 17x24 cm
- Số trang: 280
- Giá bán: 130.000 đồng
- Phát hành: tháng 12 năm 2019.
* Quyển 2:
- Nội dung: tập hợp 13 án lệ đã được ban hành trong hai năm 2018 - 2019 và bình luận về các án lệ này
- Khổ sách: 17x24 cm
- Số trang: 216
- Giá bán: 120.000 đồng
- Phát hành: tháng 9 năm 2019.
Nhà xuất bản Tư pháp trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 
 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT