Hôm nay, Thứ tư ngày 30 tháng 10 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Sự hình thành và vai trò của ngành Tư pháp trong chính thể nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

15/09/202

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2020, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu tới các độc giả tham luận của Viện Khoa học pháp lý tại Tọa đàm “Bộ Tư pháp Việt Nam 75 năm xây dựng và phát triển” với chủ đề: Sự hình thành và vai trò của ngành Tư pháp trong chính thể nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

1. Sự hình thành tổ chức ngành Tư pháp trong chính thể nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp[1]. Ngày 28/8 trở thành Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp. Với chức năng quản lý công tác tư pháp, ngay sau khi ra đời, Bộ Tư pháp đã tập trung mọi nỗ lực, khẩn trương giúp Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý quan trọng[2] tạo lập nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật và nền tư pháp dân chủ nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ[3].
Ngày 20-9-1945, với vai trò Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Ủy ban Dự thảo Hiến pháp và là một trong bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo, bao gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh; Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại); Đặng Thai Mai; Vũ Trọng Khánh; Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh). Bộ trưởng Bộ Tư pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là trực tiếp khởi thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Bản dự thảo Hiến pháp của Chính phủ Lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9-11-1946 mang tên Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946.
Về chức năng, nhiệm vụ, ngày 01/12/1945, để đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đã ký ban hành Nghị định số 37 về tổ chức Bộ Tư pháp. Nghị định này cùng với nhiều Sắc lệnh của Chủ tịch nước đã định hình cơ cấu tổ chức và hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp trong giai đoạn này. Theo Nghị định số 37, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài...
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp gồm có một văn phòng và 5 phòng sự vụ. Văn phòng đặt dưới quyền điều khiển của Đổng lý Văn phòng và Chánh Văn phòng, có các tham chính văn phòng giúp việc và trong trường hợp cần thiết sẽ đặt những đặc vụ ủy viên. Văn phòng có nhiệm vụ là giúp ông Bộ trưởng trong các công việc tổ chức tư pháp, để thực hiện những phương châm của Chính phủ và trông nom tất cả việc trong nội bộ thuộc về sự giao thiệp với các cơ quan quốc gia và với người nước ngoài. Các phòng sự vụ đặt dưới quyền điều khiển của ông Đổng lý văn phòng, tạm thời kiêm chức Đổng lý sự vụ. Các phòng sự vụ gồm có: Phòng sự vụ nội bộ; phòng viên chức và kế toán; phòng giám đốc hộ vụ; phòng giám đốc hình vụ; phòng giám đốc việc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.[4] Có thể khẳng định, Nghị định số 37 đã đặt nền móng cho một nền tư pháp dân chủ nhân dân ra đời và phát triển, là cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, xác định vai trò của Bộ Tư pháp và Ngành Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền, bước đầu xây dựng và phát triển chế độ “Tư pháp nhân dân” của Nhà nước dân chủ cộng hòa.
Sau cuộc bầu cử vào Quốc hội đầu tiên của nước ta vào tháng 1/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội đã bầu ra Chính phủ liên hiệp thay cho Chính phủ lâm thời. Trong Chính phủ liên hiệp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ông Vũ Trọng Khánh. Tổ chức Bộ Tư pháp tiếp tục được giữ nguyên theo Nghị định số 37 ngày 1/12/1945 và tiếp tục được kiện toàn trong các năm tiếp theo. Để làm tốt công việc tu luật cũng như nhằm nâng cao chất lượng công tác tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 98 ngày 16/3/1946 thành lập Hội đồng cố vấn pháp luật[5]. Hội đồng cố vấn pháp luật có nhiệm vụ nghiên cứu pháp luật, sưu tầm tài liệu để giải quyết những vấn đề pháp chế cần thiết và góp ý kiến với Bộ Tư pháp về sự giải quyết những vấn đề đó. Hội đồng cố vấn được chia thành nhiều Tiểu ban. Ngày 27/3/1946, Hội đồng cố vấn được đổi tên thành Ban cố vấn pháp luật[6]
Sau khi hệ thống cơ quan tư pháp được thành lập ở Trung ương, hệ thống cơ quan tư pháp địa phương cũng được khẩn trương xúc tiến thành lập. Dựa theo thiết kế chính quyền địa phương của Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về tổ chức chính quyền địa phương, hệ thống cơ quan tư pháp địa phương được xây dựng theo Thông lệnh số 12 NV-CT ngày 19/12/1946 về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt[7], Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt ở mỗi khu hoặc liên khu một Giám đốc Sở Tư pháp để trông coi việc tư pháp và giúp ý kiến cho Uỷ ban bảo vệ khu, liên khu (Uỷ ban hành chính kháng chiến khu, liên khu). Theo đó, Giám đốc tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, là một nhà chuyên môn đại diện cho Bộ Tư pháp ở trong khu. Mỗi khi ban hành việc gì có liên quan đến tư pháp, dù trong trường hợp còn giữ được hay mất liên lạc với Bộ Tư pháp thì Ủy ban bảo vệ khu cũng phải hỏi ý kiến của Giám đốc tư pháp trước. Ủy ban bảo vệ khu có thể quyết định trái với ý kiến của Giám đốc tư pháp. Nhưng nếu quyết định mà không hỏi ý kiến của Giám đốc tư pháp thì quyết định ấy vô giá trị. Giám đốc tư pháp và các Tòa án sẽ không thi hành.
Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư pháp đã nhanh chóng, khẩn trương tổ chức lại và điều hành khá thông suốt, linh hoạt hệ thống tư pháp kháng chiến gọn nhẹ. Bộ máy các cơ quan tư pháp và hệ thống pháp luật tố tụng được cải cách theo hướng tăng cường tính chất nhân dân của nền tư pháp, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, đưa tư pháp về gần dân, huy động nhân dân tham gia vào hoạt động tư pháp một cách thiết thực. Cùng với công tác tổ chức, Ngành Tư pháp luôn chăm lo công tác tuyển chọn, xây dựng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, dự thẩm, công tố viên, luật sư… theo tinh thần “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Nhiều cán bộ tư pháp đã hy sinh tính mệnh của mình để góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc và đã được suy tôn là “Chiến sĩ trên mặt trận Tư pháp”…
2. Vai trò ngành tư pháp trong xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân
Trong suốt những năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, Bộ Tư pháp được giao trọng trách xây dựng một nền tư pháp nhân dân, quản lý toàn diện các mặt hoạt động tư pháp (theo nghĩa rộng), chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài...
Đất nước không thể một ngày không có luật pháp, vì vậy, công việc xây dựng pháp luật được Ngành Tư pháp chú trọng ngay từ những ngày đầu của chính quyền non trẻ. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 về việc giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở cả ba miền Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc nếu những luật lệ ấy không trái với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và không phương hại đến độc lập. Sắc lệnh gồm 6 chương với 16 điều quy định cụ thể các luật và từng điều khoản được tạm thời giữ nguyên trong các luật lệ hiện hành như Luật Hộ, Luật Thương mại, Luật Hình cũng như quy định về tố tụng và một số điều khoản chung để hướng dẫn thực hiện[8]. Đồng thời, về tổ chức thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp với chức năng cơ bản là bảo đảm quyền dân chủ của con người, thông qua những quy định pháp luật về thẩm quyền trong việc bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử, giam, tha phạm nhân; thẩm quyền tổ chức các Tòa án dân sự, thương sự, hình sự, công việc thực hiện các hiệp định tương trợ và ủy thác tư pháp với nước ngoài; thẩm quyền tổ chức và quản lý các chức danh tư pháp khác nhau; lập kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ của Ngành Tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán để chuẩn bị thiết lập hệ thống Tòa án trên cả nước. Cụ thể:
- Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL quy định về tổ chức các đoàn thể luật sư. Sắc lệnh gồm 7 điều, theo đó quy định tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ và tổ chức hoạt động theo Sắc lệnh ngày 25/5/1930. Tuy nhiên, có một số quy định sửa đổi như: Các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các Tòa án hàng tỉnh trở lên và trước các Tòa án Quân sự… Những luật sư đã tập sự được 18 tháng thì Hội đồng luật sư có thể cho phép tạm quản lý một Văn phòng[9].
- Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13/SL về tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán. Sắc lệnh gồm 2 chương với 114 điều quy định về tổ chức của Ban Tư pháp xã, Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp, Tòa thượng thẩm và các ngạch thẩm phán, việc tuyển bổ các thẩm phán, đặc quyền và nghĩa vụ của các thẩm phán, kỷ luật, tạm quyền, đổi chức vị, y phục các thẩm phán và tổng lệ. Theo Sắc lệnh này, nền tư pháp mới của nước ta được tổ chức trên hai nguyên tắc: (i) Tư pháp độc lập với hành chính (Điều 47 Sắc lệnh số 13/SL quy định: “Tòa án tư pháp sẽ độc lập với các cơ quan hành chính. Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào công việc tư pháp”); (ii) Nhân dân tham gia việc xét xử (nguyên tắc này được thể hiện ở cấp xã, nhân viên phụ trách công việc tư pháp đều do Hội đồng nhân dân xã trực tiếp bầu ra. Ở cấp tỉnh và kỳ, dưới danh nghĩa phụ thẩm nhân dân, nhân dân được tham dự vào việc xử án kể cả tiểu hình và đại hình. Đối với các vụ đại hình, phụ thẩm nhân dân không những quyết đoán về tội trạng mà còn quyết đoán cả về hình phạt)[10].
Trong năm 1947, các Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần I, II và III đã được tổ chức nhằm giúp cho Bộ Tư pháp nắm sát hơn về tình hình tư pháp trong cả nước, trao đổi kinh nghiệm, giải quyết nhiều vấn đề chuyên môn pháp lý và kinh nghiệm thực hành. Đặc biệt, Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ III tổ chức vào cuối tháng 9 năm 1947 dưới sự chủ trì trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe đã thảo luận và quyết nghị về một số vấn đề quan trọng như: (1) Việc bảo đảm tự do cá nhân và chế độ lao tù; (2) việc tổ chức tư pháp trong các vùng bị quân địch chiếm đóng; (3) nới rộng thẩm quyền cho các Tòa án; (4) chế độ cho các luật sư trong thời kỳ chiến tranh; (5) vấn đề tư pháp công an...[11]
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Ngành Tư pháp đối với chính thể dân chủ nhân dân, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IV (tháng 02 năm 1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi các đại biểu tham dự Hội nghị. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta”. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: “Các bạn là viên chức của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể dân chủ của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”[12].
Đáp lại sự tin yêu của Hồ Chủ tịch, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ V (tháng 9 năm 1948), các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo diễn văn gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, nguyện: “trung thành với Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, xây dựng nền tư pháp dân chủ nhân dân và theo đúng đường lối của Chính phủ để giành độc lập và thống nhất thực sự”[13]. Ý nguyện này đã được thể hiện bằng định hướng cụ thể của Ngành là “xây dựng một nền tư pháp kháng chiến với bốn điểm chính: tổ chức bộ máy cho thích hợp với tình thế kháng chiến giản dị, gần dân, nhanh chóng, thống nhất chỉ huy về chính trị; giữ vững cơ sở tư pháp trong vùng địch; phải có một thái độ chính trị: kháng chiến chống đế quốc chủ nghĩa; phải tiến tới nền tư pháp của nhân dân, phải làm ngay những bộ luật mới thích hợp với tinh thần dân chủ.[14]
Với định hướng đó, ngay trong tháng 12 năm 1948, Bộ Tư pháp đã mở các lớp huấn luyện bổ túc cho thẩm phán sơ cấp. Theo đó, mỗi khóa học dự định 3 tháng, các thẩm phán sơ cấp đều bắt buộc phải lần lượt theo học tùy chỉ định của các Giám đốc tư pháp liên khu và chỉ những thẩm phán sơ cấp hạng nhất đã trúng tuyển kỳ thi này mới được ghi tên để thi lên ngạch đệ nhị cấp[15].
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, phát huy truyền thống của Tư pháp kháng chiến, trong những năm đầu kiến thiết đất nước ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà, Ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực giúp Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo nghiệp vụ công tác tư pháp về xét xử, công tố và các vấn đề liên quan đến tư pháp công an; tiếp tục củng cố bộ máy nhà nước, phát huy quyền tự do, dân chủ của công dân trong xã hội mới, khẳng định được vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị và đời sống xã hội[16].
3. Vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong những năm đầu thiết lập hòa bình ở miền Bắc
Năm 1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, với đặc điểm của thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước đã quyết định tổ chức lại nền hành chính ở miền Bắc, đồng thời tổ chức lại hệ thống tư pháp sau cuộc cải cách tư pháp năm 1950, theo đó Sở Giám đốc Tư pháp Liên khu và Khu kết thúc hoạt động với vai trò là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban kháng chiến hành chính. Cán bộ công tác tại Sở Tư pháp được chuyển sang làm nhiệm vụ ở toà án phúc thẩm hoặc toà án đệ nhị cấp hoặc về Bộ Tư pháp.
Năm 1958, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá I, Toà án nhân dân tối cao và Viện Công tố Trung ương trực thuộc Chính phủ được thành lập, tách khỏi Bộ Tư pháp. Ngày 11/2/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 01-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có chức năng và nhiệm vụ: nghiên cứu những quy định về hệ thống tổ chức và thẩm quyền của Toà án nhân dân địa phương các cấp, của tư pháp ở xã; hướng dẫn việc thực hiện các quy định này; nghiên cứu dự thảo các bộ luật, đạo luật tổng hợp về dân sự, hình sự và thủ tục tố tụng; chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm mục đích giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo pháp luật; nghiên cứu quy định về hội thẩm nhân dân, về tổ chức luật sư, bào chữa viên, công chứng viên, giám định viên và quản lý các tổ chức ấy; đào tạo và giáo dục cán bộ toà án và cán bộ tư pháp; quản lý cán bộ và biên chế của Ngành Tư pháp; hướng dẫn, kiểm tra và tổng kết công tác của Ngành Tư pháp. Tổ chức của Bộ Tư pháp gồm có Văn phòng, 3 Vụ và 01 Trường. Ở các khu, tỉnh, thành phố sẽ thành lập các cơ quan tư pháp. Nghị định cũng xác định công tác toà án và công tác tư pháp liên quan mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, cho nên các cơ quan toà án và cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để làm tròn nhiệm vụ do nhà nước giao.
Tóm lại, có thể nói, trong suốt 15 năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp đã đoàn kết, tập trung nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó trong việc xây dựng nền móng cho hệ thống pháp luật mới, tổ chức nền tư pháp dân chủ nhân dân theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, thiết lập tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, Tòa án, các cơ quan bổ trợ tư pháp, đóng góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, và góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa./.
Viện Khoa học pháp lý
 
 

[1] Ông Vũ Trọng Khánh giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ 1945-1946).

[2] “Trước tình thế cấp bách ấy, với cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vũ Trọng Khánh đã tranh thủ ý kiến của nhiều trí thức, luật gia nổi tiếng và đã hoàn thành trọng trách mà Cụ Hồ và Chính phủ giao phó: Trong vòng hơn sáu tháng, với 181 ngày làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông đã soạn thảo hơn 30 Sắc lệnh được ban hành làm nền tảng cho thể chế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trích theo: “Luật sư Vũ Trọng Khánh - một nhân cách trí thức lớn” bài đăng trên báo nhân dân: Nguồn: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/luat-su-vu-trong-khanh-mot-nhan-cach-tri-thuc-lon-275141/. Truy cập ngày 29/7/2020, 9h15.


[3] Lời nói đầu – Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam – Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 9.
[4] Xem Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam – Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 24-25.
[5] Xem Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam – Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 34.
[6] Theo Nghị định số 48-NĐ/P2 ngày 10/5/1952 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì cơ quan trung ương Bộ Tư pháp có Văn phòng, Vụ Hành chính Tư pháp, Vụ Hình hộ và Ban Nghiên cứu pháp luật.
[7] Xem Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam – Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 52-53.
[8] Xem Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam – Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 21
[9] Việt Nam Dân quốc Công báo, số 4, 1945, tr. 36.
[10] Xem Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam - Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 28.
[11] Xem Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam - Tập 1 (1945-2002). Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2015, tr 63.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb. Sự thật, H. 1985. Dẫn theo: Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam, tập 1 (1945-2002), Nxb Tư pháp năm 2015, Tr 67.
[13] Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam, tập 1 (1945-2002), Nxb Tư pháp năm 2015, Tr 73.
[14] Biên niên sử Bộ Tư pháp Việt Nam, tập 1 (1945-2002), Nxb Tư pháp năm 2015, Tr 74.
[15] Việt Nam Dân quốc Công báo số 4 – 11 năm 1948, tr. 73.
[16] Theo số liệu thống kê, từ khi thánh lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 đến năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký, ban hành 904 Sắc lệnh.
Nguồn: moj.gov.vn
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT