Hôm nay, Thứ tư ngày 24 tháng 04 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Giải đáp vướng mắc trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em

17/09/202

Phụ nữ, trẻ em bị xâm hại là vấn đề đáng báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em thời gian gần đây có diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Đối tượng xâm hại gồm cả những người thân thiết, ruột thịt của người bị hại, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền con người, làm tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần của phụ nữ, trẻ em; gây bất an cho các gia đình nạn nhân và bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục, nếp sống văn hóa, đạo đức, lối sống, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền của phụ nữ, trẻ em bị xâm hại nói riêng với những cam kết bảo đảm mọi hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em phải được xử lý nghiêm minh, mọi tổn thương về thể chất, tinh thần, tâm lý,… của phụ nữ, trẻ em cần được “xoa dịu”, đặc biệt là ngay trong các giai đoạn tố tụng hình sự.
Trong những năm qua, các cơ quan, tổ chức xã hội đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống những hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em, trong đó các Cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện và đưa ra xử lý kịp thời nhiều vụ án, người phạm tội bị trừng trị với mức án nghiêm khắc, tuy nhiên tình trạng xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em vẫn chưa giảm mạnh. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường trách nhiệm, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Quốc hội khóa XIII và khóa XIV đã thông qua Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến nhóm các tội xâm hại phụ nữ, trẻ em; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định các hành vi phạm tội theo đối tượng bị xâm hại mà quy định theo khách thể bị xâm hại, ví dụ: tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người…, không phân biệt nam hay nữ, trẻ em trai hay trẻ em gái, người đã thành niên hay chưa thành niên (trừ một số điều luật quy định hành vi phạm tội đối với trẻ em). Do đó, phụ nữ, trẻ em có thể là đối tượng bị xâm hại của bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định trong Bộ luật Hình sự. Qua các điều luật của Bộ luật Hình sự, có thể thấy hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em được quy định trực tiếp theo 02 cách thức sau đây:
- Quy định phụ nữ, trẻ em là đối tượng trực tiếp của hành vi phạm tội theo tên điều luật.
- Quy định hành vi phạm tội với phụ nữ, trẻ em là tình tiết định khung cơ bản hoặc tình tiết định khung tăng nặng của một số tội.
Qua các điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có thể thấy hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em được quy định có nhiều điểm mới, như việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi theo hướng quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục tố tụng; tăng cường hơn quyền được bảo vệ và quyền được ứng xử phù hợp bởi các cơ quan, người tiến hành tố tụng với sự phát triển tâm, sinh lý, độ tuổi của người dưới 18 tuổi; tăng cường hơn trách nhiệm tham gia tố tụng của cha mẹ, gia đình, người đại diện trong việc bảo vệ, trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi; mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, không chỉ đối với người dưới 18 tuổi là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà cả đối với người bị hại, người làm chứng; quy định rõ tiêu chuẩn của người được phân công tiến hành tố tụng trong các vụ án này phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi…
Tuy nhiên, đến nay còn nhiều quy định trong các đạo luật này chưa được hướng dẫn, dẫn đến việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật còn chưa thống nhất.
Do đó, mục tiêu của việc biên soạn cuốn sách này là nhằm góp phần thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, đồng thời, trang bị các kỹ năng cần thiết cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em; qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trong hoạt động tố tụng hình sự; đồng thời, cung cấp thông tin về các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự liên quan đến việc xử lý hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em cho tất cả các đối tượng độc giả quan tâm.
 
* Nội dung cuốn sách bao gồm:
PHẦN I. Giải đáp vướng mắc trong áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại phụ nữ, trẻ em
PHẦN II. Giải đáp vướng mắc trong áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn về việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em
PHẦN III. Giải đáp vướng mắc về kỹ năng của Kiểm sát viên khi làm việc với phụ nữ, trẻ em bị xâm hại
PHỤ LỤC
Phụ lục số 01: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em
Phụ lục số 02: Danh mục các tội quy định tình tiết phạm tội với phụ nữ, trẻ em là tình tiết định khung tăng nặng
Phụ lục số 03: Bảng so sánh quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 1999 về một số tội xâm hại phụ nữ, trẻ em
 
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản tháng 7 năm 2020:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5.
- Số trang: 144.
- Giá bán: 80.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 
N.V.H
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT