Hôm nay, Thứ sáu ngày 26 tháng 04 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Bàn về nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

10/09/202

Pháp quyền (trong tiếng Anh là the Rule of law; gần gũi với nó trong tiếng Đức là Rechtstaut và trong tiếng Pháp là Etatde Droit) là một khái niệm mở. Tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị, lịch sử, truyền thống văn hóa, pháp luật của mỗi quốc gia và quan niệm chính trị - pháp lý của mỗi người trong từng thời điểm mà khái niệm pháp quyền có nội hàm rộng, hẹp khác nhau. Với nhiều định nghĩa mà tác giả cuốn sách tiếp cận, tuy có sự khác nhau về cách diễn đạt, nhưng đều cùng chung một nhận thức cốt lõi về pháp quyền đó là: i) pháp luật có tính tối thượng mà mọi chủ thể bao gồm cả người dân và nhà nước đều bị điều chỉnh bởi pháp luật và đều phải tuân thủ pháp luật; ii) pháp luật đó phải là pháp luật bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải, bảo vệ quyền con người và; iii) pháp luật đó được hình thành một cách dân chủ chứa đựng các giá trị của quốc gia, dân tộc và quốc tế.
Với quan niệm về pháp quyền như viết ở trên, ở các nước dân chủ và pháp quyền cũng như các tổ chức trên thế giới ngày nay đều thừa nhận pháp quyền là một nguyên tắc quản trị nhà nước. Trong các công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta, tuy chưa có nhiều, nhưng cũng đã xuất hiện một số bài đăng trên các tạp chí khoa học khác nhau. Các bài viết này có nhận thức và diễn đạt không hoàn toàn thống nhất với nhau về nội hàm của nguyên tắc pháp quyền. Có thể khái quát thành một số quan điểm sau đây:
- Một số nhà khoa học đồng nhất nội hàm của “nguyên tắc pháp quyền XHCN” với “nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN”. Do đó, nội dung của “nguyên tắc pháp quyền XHCN” cũng là các nội dung của “nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN”, đồng nhất “pháp quyền XHCN” với “nhà nước pháp quyền XHCN”.
- Một số tác giả lại cho rằng “nguyên tắc pháp quyền là tinh thần thượng tôn pháp luật của nhà nước, các nhân viên nhà nước, của mọi tổ chức, cá nhân và của toàn xã hội, là một trong những tư tưởng chủ đạo trong tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền, trong quản lý và phát triển xã hội”.
- Một số tác giả khác cũng nhấn mạnh đến tính thượng tôn pháp luật, nhưng cho rằng pháp luật đó phải là pháp luật xác định giới hạn việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Như vậy, tuy có sự khác nhau ít nhiều quan niệm về nguyên tắc pháp quyền, nhưng các tác giả đều thống nhất nội dung cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền là pháp luật giữ vị trí tối thượng trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, là giới hạn đối với quyền lực nhà nước và tồn tại khách quan đối với quyền lực nhà nước. Vì thế, nhà nước nói chung, các cơ quan nhà nước, công chức và viên chức nhà nước nói riêng đều bị ràng buộc bởi pháp luật, phải tuân thủ và chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, trong cách hiểu và sử dụng trên thực tế thuật ngữ pháp quyền và thuật ngữ nguyên tắc pháp quyền có thể thấy hai trường hợp: thứ nhất, là đồng nhất thuật ngữ pháp quyền với thuật ngữ nguyên tắc pháp quyền; thứ hai, không đồng nhất thuật ngữ pháp quyền với thuật ngữ nguyên tắc pháp quyền.
Tác giả cuốn sách luôn quan niệm rằng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang là đòi hỏi cấp bách. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện (tháng 12/1986) đến nay, có thể nói lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta từng bước được hoàn thiện và phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1991) lần đầu tiên thuật ngữ “xây dựng nhà nước pháp quyền” chính thức ra đời trong văn kiện của Đảng. Đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) và các Đại hội VIII, IX, X, XI, XII lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng được bổ sung và phát triển, đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013.
Tại Nghị quyết số 48-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, lần đầu tiên ra đời thuật ngữ “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” để đánh giá thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa rằng: “Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được đề cao và phát huy trên thực tế”. Tuy nhiên, phải đến Đại hội XII của Đảng, tổng kết 30 năm đổi mới toàn diện đất nước và đề ra phương hướng cho giai đoạn tới, văn kiện Đại hội của Đảng mới khẳng định: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn”. Có thể nói, lần đầu tiên Đảng ta chính thức thừa nhận và khẳng định pháp quyền là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Tuy nhiên, sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong nhận thức, trong tư duy về tổ chức và hoạt động của nhà nước. Đó là “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, pháp quyền, tính tối thượng của Hiến pháp, vai trò, tiêu chuẩn của pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiêu chuẩn, đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa được nhận thức, quy định đầy đủ trong mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị”.
Mặc dù tính pháp quyền đã từng bước được đề cao thông qua việc thực hiện các nguyên tắc “quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; nguyên tắc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nguyên tắc tập trung dân chủ... trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, tuy nhiên, pháp quyền với tư cách là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước cho đến nay, cả về lý luận, cũng như trong tổ chức thực hiện hiện chưa có sự nhận thức đầy đủ. Các vấn đề như: Thế nào là nguyên tắc pháp quyền; nội hàm của nguyên tắc này bao gồm các yếu tố gì? Vị trí và vai trò của nguyên tắc này ra sao? Thực hiện nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của nhà nước như thế nào, hiện nay chưa được tường minh. Vì thế, nghiên cứu “nguyên tắc pháp quyền” có ý nghĩa về phương diện lý luận rất cấp thiết.
Thực tiễn tổ chức và hoạt động của nhà nước ta chỉ ra rằng: Bộ máy nhà nước tuy từng bước được xây dựng và đổi mới theo các nguyên tắc mới, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của một nhà nước pháp quyền, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tính thượng tôn pháp luật của toàn xã hội, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức và mọi người dân chưa được đề cao. Việc đấu tranh phòng, chống sự lộng quyền, lạm quyền ở một số nơi chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, do Hiến pháp và pháp luật là phương tiện giới hạn quyền lực nhà nước chưa được coi trọng và tuân thủ nghiêm minh. Hệ thống pháp luật là nền tảng của việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền chưa đạt đến trình độ hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch, chưa chứa đựng đầy đủ các giá trị mà xã hội có, xã hội cần, xã hội ủng hộ. Hiến pháp chưa được quan niệm là một phương tiện để nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước của mình nên chưa có cơ chế bảo vệ Hiến pháp một cách hiệu quả. Quyền con người, quyền công dân ở một số nơi chưa được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm trong thực tế. Tòa án là cơ quan thực hiện quyền Tư pháp nhưng chưa thực sự là công cụ có nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Các quyền con người, quyền công dân ngày càng được thừa nhận mở rộng và nâng cao bao nhiêu thì quyền hạn của nhà nước bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ bấy nhiêu chưa được coi trọng và thừa nhận. Tất cả những biểu hiện đó là do chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của nhà nước. Chính vì thế, việc xuất bản cuốn chuyên khảo: “Bàn về nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có nhiều ý nghĩa về phương diện thực tiễn như xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật có chất lượng tốt hơn để phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thượng tôn pháp luật, dân chủ và pháp quyền hơn với con người, với công dân.
Đặc biệt, tác giả cuốn sách đã đưa ra phương hướng và một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Cụ thể:
- Về phương hướng:
+ Tiếp tục nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là tư tưởng chủ đạo
+ Đổi mới mô hình lập pháp, nâng cao chất lượng lập pháp theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 đảm bảo tuân thủ nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật
+ Tiếp tục xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013
+ Tiếp tục cải cách tư pháp theo tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ công lý, công bằng, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân
+ Đảng Cộng sản Việt Nam thượng tôn pháp luật, lãnh đạo và kiểm soát quyền lực chính trị của mình và quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta
- Về giải pháp:
+ Nâng cao trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo luật định
+ Đổi mới tư duy pháp lý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng có chất lượng cao
+ Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ quy định trong Hiến pháp về nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân
+ Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật theo Hiến pháp năm 2013 - nhân tố đảm bảo thượng tôn pháp luật trong hành động
+ Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong lãnh đạo và chỉ đạo công việc nhà nước

* Nội dung cuốn sách bao gồm:
CHƯƠNG I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN VÀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA
CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA
I. THỰC TRẠNG NHẬN THỨC VỀ CÁC GIÁ TRỊ PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA
II. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA
CHƯƠNG III. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA
I. PHƯƠNG HƯỚNG NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA
II. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản tháng 5 năm 2020:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5.
- Số trang: 276.
- Giá bán: 120.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 N.V.H
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT