Hôm nay, Thứ năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức

03/09/202

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 thì cán bộ, công chức và viên chức có những tiêu chí chung là:
- Công dân Việt nam;
- Trong biên chế, thuộc số lượng nhà nước quản lý, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hay từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
- Giữ một công vụ, nhiệm vụ thường xuyên hay theo nhiệm kỳ;
- Làm việc trong công sở, hay cơ quan đơn vị nhà nước;
- Cán bộ, công chức được phân định theo cấp hành chính (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).
Cán bộ, công chức, viên chức được phân định rõ theo tiêu chí riêng, gắn với cơ chế hình thành hoặc chế độ làm việc. Nhiều nước trên thế giới phân định thành những người làm cho khu vực công và khu vực không phải công, không do nhà nước quản lý.
cán bộ là thuật ngữ để chỉ nhóm người mang tính chất bầu làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và chính trị xã hội. Theo đó, cán bộ được xác định là:
- Được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh.
- Hoạt động theo nhiệm kỳ trong cơ quan của đảng, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội.
- Trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đối với cấp xã, cán bộ bao gồm những người được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội.
Công chức là nhóm người được tuyển dụng, bổ nhiệm thì cán bộ là nhóm người được bầu và làm việc theo nhiệm kỳ.
Viên chức được quy định đối với nhóm người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
- Được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc.
- Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
- Việc làm không mang tính quyền lực công mà chủ yếu mang tính chuyên môn, nghề nghiệp.
Trong nhiều trường hợp, để thực hiện đúng chính sách đối với người lao động, cần phân biệt công chức với lao động hợp đồng. Lao động hợp đồng là những người được tuyển vào làm việc theo cơ chế hợp đồng trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, những người Nhà nước thuê để làm việc cho Nhà nước và được nhà nước trả công. Trong thực hiện công việc được giao, hành vi của họ được quy định và điều chỉnh bằng Bộ luật Lao động.
Việc phân định cán bộ và công chức, viên chức của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là căn cứ pháp lý để quy định cơ chế quản lý phù hợp với cán bộ, công chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã và viên chức. Với những quy định này, pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức đã quy định những vấn đề thể hiện tính đặc thù trong hoạt động công vụ của cán bộ khác với hoạt động công vụ của công chức; hoạt động nghề nghiệp của viên chức liên quan đến các nội dung như: quyền và nghĩa vụ, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, luân chuyển; đánh giá.
Bên cạnh các quyền và nghĩa vụ chung đối với cán bộ, công chức, cán bộ còn chịu sự điều chỉnh của cơ chế bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nên cán bộ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cán bộ thể hiện trách nhiệm chính trị trong thực thi công vụ.
Đối với công chức, do chịu sự điều chỉnh của cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm nên công chức còn phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Công chức thể hiện trách nhiệm hành chính trong thực thi công vụ.
Đối với viên chức, pháp luật có những quy định riêng về quyền và nghĩa vụ và theo cơ chế hợp đồng làm việc, viên chức được quản lý theo cơ chế linh hoạt, mềm hơn so với cán bộ, công chức. Viên chức hoạt động nghề nghiệp căn cứ vào các nội dung hợp đồng đã thoả thuận với đơn vị sự nghiệp công lập. Viên chức thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp trong thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ.
Việc quy định đánh giá cán bộ đã có những nội dung khác với đánh giá công chức. Luật quy định, đánh giá cán bộ thực hiện theo 5 nội dung, trong đó có những nội dung khác với đánh giá công chức là: cán bộ phải đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Còn đánh giá công chức gồm 6 nội dung đánh giá. Điểm khác với đánh giá cán bộ là việc đánh giá công chức gắn với năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân. Tương tự, việc đánh giá viên chức cũng được quy định phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động chuyên môn nghiệp nghiệp của viên chức.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu về công việc, thực hiện thành thạo kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần, thái độ tích cực, đồng thời từng bước nâng cao khả năng thích ứng môi trường, với các công việc trong tương lai và có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng khi được tổ chức một cách chuyên nghiệp, hiệu quả thì đó là những giải pháp có tính chiến lược nhằm phát triển tổ chức và tạo ra lợi thế cạnh tranh của tổ chức.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về đào tạo, bồi dưỡng, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn chuyên khảo “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức” do PGS. TS. Ngô Thành Can biên soạn.
Với cách trình bày ngắn gọn, khoa học cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, giảng viên và bạn đọc quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này, từ đó hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức.
 
* Nội dung cuốn sách gồm 5 Chương:
CHƯƠNG I. CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
I. CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
II. CÔNG VỤ
III. NĂNG LỰC, NĂNG LỰC THỰC THI CÔNG VỤ
CHƯƠNG 2. LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
II. HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
III. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
IV. MỘT SỐ LÝ THUYẾT VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
II. XÁC ĐỊNH NHU CẦU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
II. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH NHU CẦU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
III. LẬP KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
V. ĐÁNH GIÁ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
CHƯƠNG 4. PHƯƠNG PHÁP VÀ TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
I. PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
II. TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
CHƯƠNG 5. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
I. HỆ THỐNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
II. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
III. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
IV. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
 
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản tháng 3 năm 2020:
- Khổ sách: 14,5 x 20,5.
- Số trang: 500.
- Giá bán: 170.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H
 
 
 
 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT