Trong xu thế hội nhập và phát triển, để các quan hệ dân sự phát huy được tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh thì phải tạo sự ổn định cho các quan hệ dân sự, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các chủ thể trong giao lưu dân sự. Do đó, pháp luật quy định các thời hạn để các bên có thể lựa chọn cách xử sự cho phù hợp vì lợi ích của mình. Khi kết thúc thời hạn đó trong những điều kiện theo luật định có thể làm phát sinh hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan. Thời hạn đó được gọi là thời hiệu.
Qua thực tiễn xét xử cho thấy, việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu trong các vụ việc dân sự nói chung, tranh chấp về thừa kế nói riêng đang còn có những quan điểm, ý kiến khác nhau. Cũng vì nguyên nhân này mà có một số vụ việc đường lối giải quyết của các cấp Tòa án không thống nhất, phải xét xử nhiều lần, gây nhiều tốn kém cả về thời gian, công sức, tiền bạc cho cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người dân, nhất là đối với những vụ việc thừa kế mà thời điểm mở thừa kế đã diễn ra nhiều năm trước, khi pháp luật có sự thay đổi, các quan hệ đã có nhiều biến động, việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn...
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định lần đầu tiên trong Pháp lệnh Thừa kế 1990, tiếp sau đó được quy định trong BLDS 1995, BLDS 2005 và BLDS 2015. Các quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế là những quy định chung cho việc áp dụng thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự chia thừa kế. Điều đó được thể hiện ở các quy định sau:
Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế 1990 đã quy định:
“Thời hiệu khởi kiện về thừa kế:
1. Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
2. Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.
3. Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
4. Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này.”
Tại Điều 648 BLDS 1995 quy định:
“Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Điều 645 BLDS 2005 có quy định đầy đủ hơn như sau:
“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
BLDS 2015 được thông qua đã có rất nhiều điểm tiến bộ mang tính đột phá, trong đó có quy định về thời hiệu thừa kế. Điều 623 BLDS 2015 quy định:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Ngoài các văn bản pháp luật nói trên, còn có hai văn bản là Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 và Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có đề cập vấn đề thời hiệu.
Với mục đích góp phần nâng cao nhận thức trong thực thi và áp dụng pháp luật ngày một tốt hơn, tạo sự thống nhất trong thực tiễn xét xử, từ đó làm cho các quy định rất hợp lý, khoa học về thừa kế, về thời hiệu của Bộ luật Dân sự có sức sống mạnh mẽ hơn nữa, Nhà xuất bản Tư pháp tái bản có sửa đổi, bổ sung cuốn Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử của Luật sư, Trọng tài viên Tưởng Duy Lượng - một người có bề dày trong công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, với vốn kiến thức chuyên sâu về lý luận trong lĩnh vực pháp luật dân sự nói chung, pháp luật về thời hiệu, thừa kế nói riêng và kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp xét xử các vụ việc dân sự, kinh tế.
Qua nghiên cứu về lý luận, về thực tiễn, trên cơ sở những vụ việc cụ thể hoặc những tình huống giả định có thể xảy ra trong thực tiễn để minh họa, làm rõ từng chủ đề được nêu trong cuốn sách, từ đó đưa ra những nhận xét, bình luận và các đề xuất về nội dung cần hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật hoàn toàn mang tính khoa học và thể hiện quan điểm của riêng tác giả.
Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của đông đảo bạn đọc, trước hết là các cán bộ trong các cơ quan tư pháp, các luật sư, các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên luật... trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo, ứng dụng vào việc xử lý tranh chấp liên quan; đồng thời, giúp người dân có thêm vốn kiến thức pháp luật về thời hiệu, thừa kế và giải quyết tranh chấp, có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.
* Nội dung cuốn sách gồm các bài viết sau:
- Tranh chấp quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất - Một loại tranh chấp phức tạp
- Thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng - Đôi điều kiến nghị
- Quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện về thừa kế và cơ sở pháp lý của việc giải quyết các tranh chấp thừa kế đã quá 10 năm hoặc 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế
- Sau thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mới khởi kiện tại Tòa án thì giải quyết thế nào?
- Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện - Một quy định nhân văn và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn
- Quy định của Bộ luật Dân sự và thực tiễn áp dụng quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế
- Chia tài sản chung là di sản thừa kế - Sai lầm, thiếu sót trong áp dụng pháp luật và hướng xử lý
- Đòi lại tài sản là di sản thừa kế và hướng xử lý
- Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 đối với giao dịch dân sự có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia
- Thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế và thời điểm tính thời hiệu thừa kế quyền sử dụng đất
- Phải xác định là tài sản chung mới đúng
- Dù quá 10 năm nhưng vẫn còn thời hiệu khởi kiện
- Chia tài sản chung hay bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế?.
- Một vụ án có nhiều quan hệ pháp luật cần giải quyết
- Sử dụng di sản có là căn cứ chuyển hóa từ di sản thành tài sản chung của người sử dụng di sản?
- Sao lại trả hồ sơ khởi kiện?
- Quản lý di sản và việc trả thù lao, chi phí bảo quản cho người quản lý di sản
- Những vấn đề cơ bản về thời hạn trong Bộ luật Dân sự 2015
- Một vài suy nghĩ về thời hiệu quy định trong Bộ luật Dân sự 2015
- Thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế trong Bộ luật Dân sự 2015
- Xác định các chủ thể hưởng di sản theo thời hiệu và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu
- Hưởng di sản theo thời hiệu - Vấn đề đặt ra và hướng hoàn thiện
- Một vài suy nghĩ về việc áp dụng Điều 623, Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế trong thực tiễn
- Đôi điều suy nghĩ về nội dung được bổ sung tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Dân sự 2015
- Đôi điều băn khoăn về khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
- Bàn thêm về áp dụng Điều 623, Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế
* Cuốn sách được Nhà xuất bản Tư pháp liên kết với Nhà sách Dân Hiền xuất bản tháng 3 năm 2020:
- Khổ sách: 16 x 24.
- Số trang: 612.
- Giá bán: 280.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
N.V.H