Đó là phát biểu của đồng chí Phan Chí Hiếu, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Nhà xuất bản Tư pháp được tổ chức vào sáng ngày 11/01/2017 tại Trụ sở Nhà xuất bản Tư pháp, số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Đến dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Thanh tra Bộ, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Báo Pháp luật Việt Nam đã đến và đưa tin Hội nghị.
Về phía Nhà xuất bản Tư pháp có đồng chí Đàm Văn Tuấn - Giám đốc, tập thể Lãnh đạo và toàn thể viên chức, người lao động của Nhà xuất bản Tư pháp.
Thay mặt Lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Phạm Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu công tác năm 2017 của Nhà xuất bản Tư pháp. Theo báo cáo và tình hình thực tế triển khai công việc tại đơn vị, trong năm 2016, Nhà xuất bản đã tiếp tục nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp kịp thời, có hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ, sự điều hành kịp thời, quyết liệt của Lãnh đạo Nhà xuất bản và đặc biệt là sự nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, người lao động, do đó trong năm 2016, về cơ bản Nhà xuất bản Tư pháp đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ chuyên môn và chính trị được giao theo Kế hoạch công tác năm đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt và các nhiệm vụ chuyên môn khác. Chuyển biến rõ nét nhất trong hoạt động của Nhà xuất bản năm 2016 được thể hiện qua các mặt công tác sau:
Thứ nhất, Nhà xuất bản đã nỗ lực cải thiện phương thức phục vụ theo hướng chủ động triển khai quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chính trị Bộ giao, đáp ứng mọi yêu cầu của cơ quan tư pháp địa phương. Ngay sau khi Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Nhà xuất bản Tư pháp đã tập trung tối đa nhân lực, vật lực để tổ chức in, phát hành các loại giấy tờ, sổ hộ tịch thuộc thẩm quyền in và phát hành của Bộ Tư pháp mà Nhà xuất bản được Bộ giao tại Đề án giấy tờ, sổ hộ tịch. Tính đến thời điểm hiện nay, Nhà xuất bản Tư pháp đã kịp thời cung ứng đầy đủ về số lượng, kịp thời về tiến độ, bảo đảm về chất lượng, chủng loại giấy tờ, sổ hộ tịch cho các cơ quan tư pháp địa phương, qua đó góp phần phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ về công tác hộ tịch.
Thứ hai, công tác xây dựng thể chế của Nhà xuất bản Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một loại các quy trình, Quy chế được Nhà xuất bản tư pháp ban hành đã điều chỉnh, định hướng mọi hoạt động của Nhà xuất bản trong thời gian tới. Đặc biệt, Nhà xuất bản đã ban hành Đề án chiến lược sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2016 - 2021. Đây là Đề án mang tính chiến lược dài hạn, đặc biệt quan trọng đối với đơn vị; được xây dựng trong bối cảnh Nhà xuất bản đang nỗ lực chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên trong năm 2018, tiến tới hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đề án đã đưa ra chiến lược phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu xây dựng Nhà xuất bản Tư pháp trở thành Nhà xuất bản hàng đầu và là địa chỉ xuất bản đáng tin cậy tại Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, đưa Nhà xuất bản phát triển bền vững đến năm 2021 và các năm tiếp theo.
Thứ ba, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, đào tạo bồi dưỡng của Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục được Ban Lãnh đạo, Chi ủy Nhà xuất bản Tư pháp đặc biệt chú trọng, quan tâm. Trong năm 2016, Nhà xuất bản Tư pháp đã thực hiện các quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm, điều chuyển, luân chuyển.., theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, đơn vị đã chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện tối đa để cán bộ học tập, nâng cao trình độ, bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn nghiệp vụ của từng cán bộ, yêu cầu của vị trí việc làm, nhận được sự đồng thuận cao của công chức, viên chức, người lao động trong Nhà xuất bản Tư pháp.
Thứ tư, công tác kế hoạch, sản xuất đã bám sát với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, đặc biệt là các xuất bản phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến luật, bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sách chuyên khảo, giáo khoa, giáo trình, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập của các trường có đào tạo chuyên ngành luật; kịp thời thực hiện có hiệu quả sách Nhà nước, sách Bộ Tư pháp đặt hàng.
Thứ năm, công tác biên tập ngày càng đảm bảo về chất lượng, tiến độ, không có sai sót về chính trị, tư tưởng, không có xuất bản phẩm bị đình chỉ hay thu hồi phát hành. Các nội dung xuất bản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú về hình thức, có chiều sâu về nội dung, thu hút được nhiều tác giả có tên tuổi trong các lĩnh vực khác nhau để liên kết xuất bản. Đặc biệt, Nhà xuất bản đã tiếp nhận những bản thảo lớn “Thi hành án dân sự - 70 năm xây dựng và trưởng thành”, “70 năm truyền thống thi hành án dân sự”, Bộ “Kỷ yếu Luật Thủ đô”… Qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh, vai trò của Bộ, Ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ sáu, mạng lưới phát hành sách của Nhà xuất bản Tư pháp ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, khẳng định thương hiệu và nâng cao uy tín của Nhà xuất bản Tư pháp trong làng xuất bản Việt Nam.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, Nhà xuất bản Tư pháp cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác đôn đốc, thu hồi công nợ; công tác phát hành; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của tư nhân; năng lực xuất bản điện tử còn hạn chế do thiếu cơ sở vật chất...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được trong năm 2016 của Nhà xuất bản Tư pháp. Đặc biệt, Thứ trưởng đánh giá cao tính tự chủ của Nhà xuất bản khi đơn vị đã hoàn thiện Trụ sở làm việc cũng như chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sớm chuyển đổi mô hình tổ chức sang đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn; ban hành Chiến lược sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2016 - 2021; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như công tác xây dựng thể chế vẫn còn tình trạng một số quy trình, quy chế chậm được ban hành, việc xuất bản sách điện tử, hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực xuất bản chưa có chuyển biến rõ nét... Để công tác năm 2017 của Nhà xuất bản Tư pháp được triển khai chất lượng, hiệu quả, Thứ trưởng chỉ đạo Nhà xuất bản Tư pháp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Nhà xuất bản cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, trên cơ sở Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2021 của đơn vị để cụ thể hóa phương hướng hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp. Nhà xuất bản cần xác định rõ thế mạnh của đơn vị trong tổng thể các Nhà xuất bản tại Việt Nam để đa dạng hóa xuất bản phẩm, trong đó tập trung vào công tác khai thác bản thảo, tiếp tục thu hút các tác giả có tên tuổi trong lĩnh vực chính trị - pháp lý, hướng tới xuất bản các ấn phẩm hay, nội dung phong phú như bình luận, giải thích, hướng dẫn áp dụng luật để đáp ứng nhu cầu thiết thực của khách hàng nhưng nhất quyết không được chạy theo thị hiếu “tầm thường”; chủ động phát triển các loại sách tự in, sách liên kết, không phụ thuộc quá nhiều vào sách Bộ, sách Nhà nước đặt hàng.
Thứ hai, Nhà xuất bản cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng kênh phát hành, tập trung vào kênh phát hành qua mạng, thương mại điện tử, chú trọng khâu marketing, giới thiệu ấn phẩm sinh động, trong đó cần giới thiệu thêm nội dung xuất bản phẩm để thu hút hơn nữa bạn đọc quan tâm tới xuất bản phẩm của đơn vị. Tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, phát huy tối đa các công cụ và giải pháp kinh tế thay vì những công cụ “hành chính, mệnh lệnh”.
Thứ ba, chú trọng hơn nữa trong phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc phát hành các loại biểu mẫu, sổ hộ tịch, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và chất lượng. Cùng với các đơn vị chức năng tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc sử dụng biểu mẫu, sổ hộ tịch đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, qua đó nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để giới thiệu nguồn quy hoạch cho Bộ. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với cán bộ; tham gia các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa.
Đối với các ý kiến kiến nghị, đề xuất của đơn vị, Thứ trưởng ghi nhận và đề nghị Nhà xuất bản chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan để đề xuất Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.
Thay mặt Nhà xuất bản Tư pháp, Đồng chí Giám đốc Đàm Văn Tuấn đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và cá nhân Thứ trưởng, đồng thời xin tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng; cảm ơn các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong năm 2016 đã phối hợp tốt với Nhà xuất bản Tư pháp để hoàn thành kế hoạch công tác năm và tiếp tục mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ; sự phối hợp tốt của các đơn vị thuộc Bộ để Nhà xuất bản tiếp tục có những bước phát triển mới trong năm 2017 và các năm tiếp theo./.