Ngoài tác phẩm lý luận lớn này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực lý luận chuyên ngành. Đó là các cuốn sách:
Các cuốn sách của Tổng Bí thư đã nhận sự quan tâm đặc biệt và đều được các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và Nhân dân ta đánh giá rất cao, không chỉ do giá trị tư tưởng và nội dung của tác phẩm, mà một phần chính là bản thân tác giả - một con người có trí tuệ, có nhân cách và luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hiểu rõ rằng Đảng phải biết tự sửa, biết dựa vào dân để chỉnh đốn, chỉnh đốn là từ bên trên trở xuống. Vì vậy, đồng chí đã trực tiếp làm Tổng Tư lệnh (Trưởng ban Chỉ đạo) “cuộc chiến” chống tham nhũng, với tinh thần không khoan nhượng, ai không làm, ai do dự thì đứng sang một bên… và “cuộc chiến” này đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong Nhân dân.
Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
“Lò lửa” của Nhân dân được nhóm lên không chỉ khiến “củi khô,” “củi tươi” đều phải cháy, mà còn có tác dụng răn đe, suy ngẫm cho cả những ai tay chưa kịp nhúng chàm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
“Cuộc chiến” này có lý luận, có bài bản. Lý luận đó được thể hiện cơ bản trong tác phẩm “
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (2/2023) của đồng chí Tổng Bí thư. Cuộc chiến này có mục tiêu rõ ràng và nhân tố quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện và thường xuyên của Đảng; dựa vào dân, lắng nghe dân. Đặc biệt là sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động cụ thể trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của đồng chí.
Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Và thực tế minh chứng một điều là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi sứ mệnh trên cương vị của một người đứng đầu đất nước trong việc bảo vệ sự tồn vong và phát triển đất nước bằng hai con đường song song: luật pháp và văn hóa. Luật pháp là sự nghiêm minh và văn minh của một nhà nước, của một quốc gia, còn văn hóa là tâm hồn và đức hạnh của một dân tộc.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước, lối sống văn minh của một quốc gia và công cuộc chấn hưng văn hóa là việc xây dựng nhân cách và tư cách của dân tộc.
Người giành được trọn vẹn “lòng tin” của dân và sống trong “lòng dân”
Ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng răn mình, giũa sáng tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dạy; từng bước trưởng thành và đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân.
Đồng thời, Tổng Bí thư luôn yêu cầu từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; phải lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu; phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một êkíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh…
Nhân dân cả nước luôn dành sự kính trọng, tin tưởng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản chân chính, một lãnh đạo tài ba, người luôn nhất quán giữa nói và làm, lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích của dân làm mục tiêu phấn đấu; luôn gần dân, sát dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng khẳng định:
"Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của Nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định."
Xin mượn câu trong tác phẩm nổi tiếng
"Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky để kết bài và là nén tâm hương đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã có những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc ta:
“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng (15/11/2017). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
(Theo TTXVN/Vietnam+)