Cụm Thi đua số II hiện có 10 đơn vị, bao gồm: Trường Đại học Luật Hà Nội; Học viện Tư pháp; Báo Pháp luật Việt Nam; Viện Khoa học pháp lý; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Nhà xuất bản Tư pháp; Trường Trung cấp Luật Tây Bắc cùng ba trường Cao đẳng Luật miền Bắc, miền Trung và Miền Nam.
Theo báo cáo, năm 2020, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đơn vị trong Cụm đã triển khai kịp thời, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời, vẫn duy trì hiệu quả hoạt động chính trị, chuyên môn của đơn vị và đạt được nhiều kết quả quan trọng, duy trì và thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường đoàn kết, chăm lo tốt đời sống cho công chức, viên chức, người lao động.
Công tác thi đua của Cụm đã được triển khai kịp thời, bám sát Kế hoạch phát động phong trào thi đua năm 2020 do Bộ Tư pháp ban hành. Việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua đảm bảo kịp thời, nề nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đồng thời, trên cơ sở chức năng,nhiệm vụ được giao và đặc thù riêng của từng đơn vị, các đơn vị đã phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua với những nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp, hiệu quả. Lãnh đạo các đơn vị quan tâm sâu sắc đến công tác thi đua khen thưởng, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các phong trào thi đua tại các đơn vị được quan tâm, chú trọng. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị thuộc Cụm đã làm tốt vai trò tham mưu cho Cấp ủy, Lãnh đạo đơn vị trong công tác Thi đua khen thưởng; công tác tổ chức sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả và chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua của Cụm Thi đua số II còn một số tồn tại, hạn chế do tác động của dịch bệnh Covid -19; cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng của các đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm nên còn thiếu tính chủ động; còn có cá nhân, đơn vị chưa mạnh dạn đăng ký thi đua, khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở cấp Bộ, ngành...
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Cụm Thi đua số II đã đạt được trong năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu Cụm Thi đua số II cần coi thi đua khen thưởng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược và là giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai các phong trào thi đua của Bộ, ngành, của Cụm cần thực chất, hiệu quả, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua để bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương; chú trọng triển khai các Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư về công tác tư pháp. Đổi mới phương thức đánh giá kết quả các phong trào thi đua khen thưởng đảm bảo kịp thời, khách quan; chú ý tới khen thưởng đột xuất; quan tâm bồi dưỡng những gương điển hình tiên tiến; đẩy mạnh công tác truyền thông các kết quả thi đua khen thưởng, các gương điển hình, mô hình hay, cách làm hiệu quả để tạo sự lan tỏa. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Cụm Thi đua số II tiếp tục tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng thi đua hời hợt, mang tính hình thức.