Hôm nay, Thứ sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Kinh nghiệm quốc tế về tự quản địa phương và khả năng áp dụng tại Việt Nam

03/05/201

do TS. Nguyễn Văn Cương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm chủ biên

1. Những nội dung cơ bản của tác phẩm         
Xu hướng phát triển của các nền hành chính hiện đại theo nguyên lý của Nhà nước pháp quyền dân chủ đều hướng tới việc phát huy tối đa vai trò chủ thể của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp trong việc giải quyết các vấn đề của mình vì mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cho mọi người dân. Trong xu hướng chung đó, hiện nay các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến việc xây dựng một hệ thống chính quyền trong đó vai trò, vị trí của chính quyền địa phương ngày càng được đề cao trong việc tham gia giải quyết các bài toán phát triển chung của cộng động và của đất nước. Đi kèm với đó là việc chính quyền địa phương ngày càng được trao nhiều quyền năng hơn mà vốn trước đây thường do chính quyền trung ương đảm nhiệm.
Ở Việt Nam cùng với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do vậy, mô hình, nguyên lý, cách thức tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng là những chủ điểm được quan tâm, bàn luận và là những vấn đề của thực tiễn cải cách, đổi mới đất nước. Đường lối, chủ trương của Đảng ngày càng thể hiện rõ nét yêu cầu phát huy mạnh mẽ hơn tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vị các công việc thuộc thẩm quyền của mình.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã chính thức sử dụng thuật ngữ “Chính quyền địa phương”, đồng thời khẳng định rõ địa vị Hiến định của chính quyền địa phương tại Chương IX của Hiến pháp. Tuy nhiên, về mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương hiện nay tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng và cần tiếp tục phải nghiên cứu để làm rõ hơn.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu do Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp chủ trì từ năm 2014 - 2015, tập thể tác giả do Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp làm Chủ biên đã phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn sách “Kinh nghiệm quốc tế về tự quản địa phương và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. Đây là cuốn sách chuyên khảo với mục đích bàn luận và làm rõ bản chất, mô hình, kinh nghiệm tổ chức và vận hành chính quyền địa phương theo nguyên lý tự quản địa phương của một số quốc gia trên thế giới nhằm cung cấp thêm các luận chứng, luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm phục vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại nước ta trong thời gian tới.
Cuốn sách gồm 3 chương, cụ thể:
Chương 1. Những vấn đề chung về chính quyền địa phương
Tác giả tập trung nghiên cứu tổ chức bộ máy của tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới đều cho thấy, ngoài việc tổ chức các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước mang tính chất đại diện cho toàn thể quốc gia (như Quốc hội/Nghị viện, Tổng thống/Chính phủ, Tòa án…), ở mỗi vùng lãnh thổ mang tính bộ phận của quốc gia thường tồn tại các cơ quan cung ứng các loại hàng hóa, dịch vụ công cộng như giáo dục phổ thông, chăm sóc y tế, tuần tra cảnh sát, phòng cháy chữa cháy…cho người dân đồng thời thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, duy trì trật tự công cộng được gọi là chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở các quốc gia có tổ chức khác nhau thì quan niệm về chính quyền đại phương cũng không giống nhau. Chẳng hạn, ở các quốc gia có tổ chức theo mô hình liên bang, chính quyền địa phương được coi là các loại chính quyền dưới cấp bang và liên bang. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở các quốc gia đơn nhất (Anh, Pháp…) lại được coi là chính quyền dưới cấp chính quyền Trung ương.
Từ những nghiên cứu của mình tác giả rút ra các nguyên lý “tự quản địa phương” đi liền với việc thiết lập một hệ thống chính quyền địa phương có những đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, địa phương được quản lý bởi một cơ quan dân cử.
Thứ hai, địa phương có những thẩm quyền riêng biệt, được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền đó.
Thứ ba, địa phương có phương tiện để thực hiện quyền tự quản.
 
Chương 2. Một số mô hình tự quản địa phương của một số quốc gia trên thế giới
Quan thực tiễn nghiên cứu vận dụng mô hình tự quản địa phương ở một số quốc gia cụ thể nêu trên, tập thể tác giả đã đưa ra nhận định:
Thứ nhất, tự quản địa phương trong thời gian hiện đại gắn liền với các nguyên lý của dân chủ tự do, thúc đẩy sự tham gia quản trị địa phương của mỗi người dân.
Thứ hai, tự quản địa phương luôn đòi hỏi việc phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, phân định vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương với cộng đồng dân tộc chung của cả nước. Sự phân định đó thường được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật.
Thứ ba, tự quản địa phương luôn đi kèm với việc thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền, có tài sản riêng, có ngân sách riêng, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền do luật định.
Thứ tư, chính quyền tự quản địa phương luôn có mối liên hệ mật thiết với cử dân địa phương, thực hiện quyền năng của mình theo ý chí, nguyện vọng của dân cư địa phương.
Thứ năm, chính quyền tự quản địa phương được bảo hộ tính tự quản, tự chủ của mình bằng cơ chế pháp lý rõ ràng nhằm tránh sự can thiệp tùy tiện của các cơ quan chính quyền trung ương vào các công vụ địa phương. Cơ chế ấy thường là cơ chế Tòa án độc lập với cơ quan hành chính của chính quyền trung ương hoặc Tòa án Hiến pháp. Mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương trở thành mối quan hệ cộng tác.
Thứ sáu, kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương là một yếu tố quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước. Việc kiểm soát này được thực hiện thông qua việc chính quyền trung ương ban hành các tiêu chuẩn cho hoạt động của chính quyền địa phương và kiểm tra việc thực hiện.
 
Chương 3. Tác giả đề xuất các khả năng tiếp thu và ứng dụng một số yếu tố hợp lý của chế độ tự quản địa phương trong tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả cho rằng cần có sự đổi mới cần thiết đối với nguyên tắc thiết kế tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng: tiếp tục bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất trong việc tổ chức chính quyền địa phương; tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của nguyên tắc tự quản địa phương bằng việc công nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định. Phân định rõ hơn nhiệm vụ của trung ương và địa phương. Quy định nguyên tắc những công việc của chính quyền trung ương chuyển giao cho chính quyền địa phương.
Tác giả cũng kiến nghị những công việc chính thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương (chính quyền địa phương được tham gia quản lý với tư cách là cơ quan phối hợp thực hiện). Đối với các công việc còn lại có thể phân thành 2 loại (1) Chính quyền trung ương ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy định còn việc tổ chức thực hiện do chính quyền địa phương chủ động, chính quyền trung ương kiểm tra, giám sát…(2) Loại công việc mà chính quyền địa phương toàn quyền ban hành quy định…
Tác giả cũng khẳng định rằng tự quản địa phương không đồng nghĩa với thoát ly và tự trị, quyền lực nhà nước vốn là thống nhất và thuộc về nhân dân, và quyền tự quản địa phương là cách thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước chứ không phải là cách phân lập quyền lực nhà nước. Chính quyền địa phương tự quản luôn nằm trong khuôn khổ kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trung ương.
Ngoài ra, tập thể tác giả cũng nhận định xét về truyền thống lịch sự, tình hình hiện tại và xu hướng phát triển, nước ta có nhu cầu và cơ sở để tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình phân quyền và tự quản; đề cao vai trò của chính quyền xã và đặt ra những yêu cầu mang tính bắt buộc đối với chính quyền xã trong việc thực hiện mục tiêu đó.
 
2. Thông tin về tác phẩm
Mã sách: TPC-17-02
Tác giả: Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (TS. Nguyễn Văn Cương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý chủ biên).
Số trang: 300 - Kích thước: 14.5 x 20.5 - Năm xuất bản: 2016
Giá bán: 88.000 đồng
Tập thể tác giả và Nhà xuất bản Tư pháp xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc./.
 
Tổng hợp: Chi đoàn cơ sở Nhà xuất bản Tư pháp
 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT