Sách và giá trị của việc đọc sách
Từ xa xưa, cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp, một thú vui tao nhã, một hoạt động trí tuệ, một sở thích có văn hóa. Vua Lê Thánh Tông từng viết “ Trống dời canh còn đọc sách/ Chiều xế bóng chửa thôi chầu”. Với đại thi hào Nguyễn Du thì “Sách vở đầy bốn vách/Có mấy cũng không vừa”. Không phải lẽ tự nhiên mà cổ nhân coi trọng sách và giá trị của việc đọc sách như vậy. Nếu như mỗi cuốn sách là một kho tàng tổng hợp trí tuệ nhân loại, thì đọc sách là quá trình tích luỹ tri thức một cách chủ động nhưng đầy tự nhiên của con người, là cách là để mở ra thế giới mà ở đó kinh nghiệm để truyền thụ, sức sáng tạo, trí tưởng tượng của mỗi tác giả dường như không có giới hạn. Mỗi một cuốn sách, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng còn mang vẻ đẹp của lịch sử, của văn hoá, phản ánh cái nhìn thời đại về mọi lĩnh vực thuộc về tự nhiên, xã hội và tư duy. Có lẽ vì vậy mà ngoài mục tiêu làm giàu tri thức, đọc sách còn là khoảng thời gian để lắng đọng và cảm nhận dòng chảy cuộc sống, cảm xúc, cái tôi của mỗi cá nhân, từ đó hướng người đọc đến lối sống nhân văn “chân, thiện, mỹ”. Ở khía cạnh giáo dục, đọc sách được xem là phương pháp tự học “tiết kiệm” nhất về chi phí để hình thành những tri thức nền tảng, năng lực nhận biết, phân tích, đánh giá và cảm nhận sự vật khách quan. Một tấm gương điển hình cho việc không ngừng đọc, không ngừng học hỏi không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong suốt cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đi qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nhưng ở nơi đâu Người cũng mang theo bên mình những cuốn sách, để rồi sau khi đọc, cùng với những trải nghiệm thực tế, Người mới thấu hiểu được nỗi thống khổ tột cùng của những người dân bị áp bức và tìm ra con đường chân lý soi sáng cho cách mạng Việt Nam.
Bởi những điều như trên mà khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hình thành nên một xã hội học tập, tạo động lực và công cụ chủ yếu thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Thách thức duy trì, phát triển văn hoá đọc trong nhịp sống hiện đại
Sống trong một thế giới bùng nổ thông tin như hiện nay, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng con người, đặc biệt là những người trẻ, có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin, tri thức nhân loại dựa trên nền tảng internet như các nguồn học liệu online, các trang tìm kiếm thông tin (Google, Wikipedia…) hay các mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram…). Theo thống kê, tỉ lệ thời gian người dân dành cho internet và mạng xã hội vượt trội hơn nhiều so với thời gian dành cho việc đọc sách đang diễn ra tại Việt Nam, quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet, trong top 10 nước có lượng người dùng mạng xã hội cao nhất thế giới với việc dành trung bình 1/6 thời gian trong ngày cho mạng xã hội. Trong khi đó, theo thống kê của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019, trung bình người Việt Nam đọc 1 cuốn sách/năm với thời gian chưa tới 1h/tuần, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là con số đáng để chúng ta suy ngẫm, nhìn lại vai trò của văn hoá đọc cũng như tìm ra những giải pháp mang tính chiến lược nhằm khuyến khích việc đọc sách từ mầm non, tiểu học đến các cấp học sau này.
Đọc sách, chìa khoá quan trọng phục vụ nghiên tham mưu xây dựng chính sách pháp luật
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo nhà văn lại càng phải đọc”. Đọc sách để tự làm giàu tri thức đã khó, để vận dụng tri thức vào những công việc thực tiễn càng là trở ngại thách thức, đặc biệt đối với công việc quản lý nhà nước, tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật. Với tính chất, phạm vi tác động, tầm ảnh hưởng rộng lớn, mỗi chính sách, quy định pháp luật đòi hỏi ở người tham mưu xây dựng một tư duy khách quan, cái nhìn tổng thể, toàn diện và sự nhạy bén trong xử lý, giải quyết vấn đề. Đối với năng lực này, ngoài quá trình đào tạo bồi dưỡng, đòi hỏi mỗi công chức, viên chức phải luôn tự tìm tòi, học hỏi, quan sát, và phương tiện để thực hiện những việc đó không gì hiệu quả, thiết thực hơn là những cuốn sách. Nắm chắc tư duy lý luận, các học thuyết pháp lý kết hợp với trải nghiệm từ thực tiễn chính là chìa khoá để tạo nên những chính sách đúng đắn, những quy định pháp luật có tính khả thi, áp dụng cao. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ và trọng trách của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nặng nề hơn. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành Tư pháp phải không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức của người cán bộ tư pháp. Một trong những giải pháp cốt yếu chính là phải coi trọng sách, ham thích đọc sách, thường xuyên đọc sách, tiếp thu tri thức từ sách, đọc nhiều, đọc rộng, vận dụng sáng tạo tri thức vào công việc thực tiễn. Đặc biệt là thế hệ công chức, viên chức trẻ - những người đang rất cần phải tăng cường tiếp thu, trau dồi nhiều hơn về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng công tác, phẩm chất đạo đức, nhân cách, tác phong cần chú trọng hơn việc đọc sách và vận dụng tri thức từ sách. Tại thư viện Bộ Tư pháp hiện nay có khoảng hơn 30.000 đầu sách báo gồm các loại tài liệu sách tiếng Việt, sách Văn học, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Luận án tiến sỹ luật học, Từ điển, tài liệu Hội thảo, tiếng nước ngoài gồm tiếng Anh, Pháp, Trung, có 02 cơ sở dữ liệu tra cứu là cơ sở dữ liệu thư mục với khoảng 37.653 biểu ghi, cơ sở dữ liệu toàn văn với khoảng hơn 87.000 trang tài liệu số hóa. Đây chính là “kho” tổng hợp tri thức pháp lý quan trọng, tích luỹ kinh nghiệm, trí tuệ của bao thế hệ lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu suốt quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ, ngành, cần được khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
|
"Nếu công chức dành thời gian để đọc, trước tiên là đọc văn bản rồi đọc sách, thì công việc của họ sẽ có được kết quả tốt hơn nhiều... công chức nhà nước đang còn rất lười đọc, ngay cả đọc văn bản liên quan tới công việc của mình” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Giải pháp nào tạo nên thói quen đọc sách?
Sách là tốt, đọc sách là rất tốt những tại sao hiện nay vẫn còn nhiều người không coi trọng việc đọc sách? Có lẽ, quan trọng nhất đó là sự ảnh hưởng của thói quen đọc sách trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng (nhà trường, cơ quan, tổ chức…) không được khởi tạo và duy trì. Thói quen đọc sách có thể đến do được tuyên truyền, vận động, thậm chí là cần được luật hoá để áp dụng chính sách đọc sách tới người dân (tại Nhật Bản có Luật Chấn hưng văn hóa đọc và Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách ở trẻ em). Hơn cả, chúng ta mong mỏi một chương trình hành động nhất quán, mạnh mẽ từ cấp quốc gia tới các đơn vị có liên quan như các nhà sách, nhà xuất bản, trường học… Chỉ khi việc đọc sách được coi như một việc quan trọng, sách được coi “vũ khí” để hình thành nên “nguyên khí” thì chúng ta mới mong Việt Nam sẽ trở thành quốc gia của văn hoá đọc. Khi đó, việc đọc sách sẽ trở thành bản năng, trở thành điều tự nhiên như hơi thở, như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt chia sẻ : “Tất cả những hoạt động tuyên truyền, cổ vũ cho văn hoá đọc cần phải được xác định với vai trò xây dựng những bản năng đọc của xã hội chứ không phải ý thức đọc. Trong khi đối với xã hội việc đọc, nghe, nhìn là bản năng thì đối với các cơ quan chuyên nghiệp là phải tổ chức một cách có ý thức, nhưng là ý thức của cơ quan ấy để tác động vào bản năng đọc, nghe và nhìn của xã hội.”
Yên Lãng - Phòng Truyền thông, Văn phòng Bộ