Hôm nay, Thứ năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Kỉ niệm thành lập Nhà xuất bản Tư pháp

Liên kết website

Vấn đề tự chủ trong hoạt động xuất bản - Bài 2: Cần sự phối hợp nhất quán và đồng bộ

28/10/201

Mặc dù năng lực của mỗi đơn vị xuất bản là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển trong cơ chế tự chủ, song nếu không có sự phối hợp nhất quán và đồng bộ về chính sách cũng như giữa các cơ quan chức năng thì sẽ khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Và trên thực tế, đây chính là "nút thắt" cần kịp thời tháo gỡ.

Tiếp tục quá trình đổi mới tư duy và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất bản, năm 2004, Luật Xuất bản được sửa đổi, bổ sung nhiều chế định mới, trong đó lần đầu kể từ Sắc luật 003/SLT năm 1957, Luật Xuất bản năm 2004 cho phép NXB liên kết với cá nhân, tổ chức để tổ chức bản thảo, hình thành nên xuất bản phẩm, trong đó NXB biên tập nội dung và sau khi in xong thì ký duyệt phát hành. Luật Xuất bản năm 2012 tiếp tục khẳng định vai trò của cá nhân, tổ chức trong liên kết xuất bản và quy định cụ thể những hình thức liên kết, trong đó có biên tập bản thảo ở mức độ nhất định. Với những quy định này, vị trí, vai trò của NXB và các cá nhân, tổ chức liên kết xuất bản đã có sự thay đổi đáng kể. Các nhà sách tư nhân sở hữu nhiều cửa hàng bán lẻ trong địa bàn một tỉnh, thành phố đã vươn lên tầm khu vực, một số đã có hệ thống nhà sách trên cả nước. Họ là những người biết rõ thị trường cần sách gì, số lượng nhiều hay ít, nắm được sở thích của bạn đọc các tầng lớp và lứa tuổi. Vì vậy, nhiều đơn vị không chỉ làm đầu mối phân phối, mà còn chủ động tổ chức bản thảo và xin giấy phép tại các NXB. Tuy nhiên, trong việc truyền tải, phổ biến các giá trị văn hóa, tư tưởng thì NXB chịu trách nhiệm chủ yếu trước pháp luật, đối tác liên kết chỉ chịu trách nhiệm liên đới. Về lợi ích kinh tế, đối tác liên kết (phần lớn là tư nhân) thường là đối tượng hưởng lợi nhuận cao hơn NXB. Nhưng nếu có rủi ro về kinh tế thì họ cũng phải chịu hậu quả nặng nề hơn, vì trên thực tế không ít NXB chỉ đơn thuần là "bán giấy phép".

Hiện NXB đang vừa là đơn vị kinh doanh, vừa là nơi có quyền "cấp phép" xuất bản, tức là thực hiện một phần chức trách của cơ quan công quyền. Theo suy nghĩ thông thường thì NXB có lợi thế hơn đối tác, song trong thực tế lại không phải như vậy.

NXB phải tổ chức biên tập nội dung và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất bản phẩm của mình. Ðây là phần việc có tính quyết định đến chất lượng nội dung của xuất bản phẩm, đòi hỏi đội ngũ biên tập viên giỏi nghề, am hiểu sâu sắc lĩnh vực mình biên tập, đồng thời có khả năng giải quyết nhanh các vướng mắc để rút ngắn thời gian "cấp phép", nếu chậm đối tác sẽ chuyển sang liên kết với NXB khác và như thế lợi ích kinh tế của NXB cũng sẽ không còn. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, trong hoạt động liên kết, phần lớn NXB đang làm phần việc khó khăn, trách nhiệm nặng nề, nhưng lợi ích còn khiêm tốn, nhiều khi thua thiệt.

Từ thực tế xuất bản trong gần 30 năm qua, không thể phủ nhận vai trò của hoạt động liên kết xuất bản, nhưng cần thẳng thắn đánh giá đây chỉ là cơ chế có tính quá độ. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này sẽ không thể giải quyết tận gốc những khó khăn, vướng mắc của nền xuất bản trong nước đã và sẽ tiếp tục đặt ra. Ðể giúp các NXB giữ vững vị thế của mình, việc cụ thể hóa các chế định pháp luật đối với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Luật Xuất bản năm 2012 là vấn đề không thể chậm trễ.

Tại khoản 1, Ðiều 7 Luật Xuất bản 2012 (Luật), các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản được quy định: "Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản". Tuy nhiên, việc cụ thể hóa nội dung luật định thành cơ chế có hiệu lực trong thực tế hiện còn khá chậm trễ. Thậm chí, trong quá trình thực hiện, một số cơ quan quản lý nhà nước còn viện dẫn các điều luật khác để không thực thi quy định của luật chuyên ngành về xuất bản. Một trong nhiều thí dụ có thể kể đến là mặc dù tại điểm b, khoản 2, Ðiều 7 của Luật quy định, Nhà nước "Ðặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác" nhưng việc thực hiện quy định này đã có thời gian bị một số cơ quan có thẩm quyền về đầu tư và tài chính yêu cầu áp dụng quy định của Luật Ðấu thầu. Từ đó xuất hiện một nghịch lý là trên thực tế, một NXB hoạt động theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ được ghi trong giấy phép thành lập là chỉ chuyên về nông nghiệp sẽ không thể đấu thầu biên tập và xuất bản sách về văn học, nghệ thuật. Hoặc cũng tại điểm c, khoản 2, Ðiều 7 Luật quy định, Nhà nước "hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội", nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể cơ chế, đối tượng, mức hỗ trợ đối với việc mua bản quyền nêu trên. Do đó có thể nói các quy định mới chỉ tồn tại trên văn bản mà thiếu sự khả thi trên thực tế.

Sau rất nhiều nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, gần đây, mỗi năm toàn ngành xuất bản đã được hỗ trợ thông qua việc đặt hàng khoảng gần 20 tỷ đồng. Nếu so sánh với vai trò, nhiệm vụ của ngành xuất bản, đây không phải là số tiền lớn. Ngoài ra, các quy định khác tại Ðiều 7 của Luật như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người; ưu đãi lãi suất vay vốn theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua xuất bản phẩm; tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm trong và ngoài nước... cũng chưa được triển khai trong thực tế.

Ngoài ra, đã hơn 5 năm kể từ khi Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực thi hành, thiết nghĩ đã đến lúc cần nhìn lại kết quả của việc đưa Luật vào đời sống, lắng nghe những phản hồi từ thực tế sinh động, phong phú và vận động không ngừng của thực tế xuất bản để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xuất bản. Với tinh thần tiếp tục đổi mới tư duy, nhất là tư duy về kinh tế, trước mắt nên có những điều chỉnh cần thiết bằng các văn bản dưới luật để huy động các nguồn lực nội sinh của từng NXB. Về lâu dài, cần khảo sát, phát hiện, tổng kết, rút ra đặc điểm mới để từ đó sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản phù hợp sự biến đổi, phát triển của lĩnh vực xuất bản, theo hướng hội nhập với khu vực và quốc tế. Ðó là công việc mà các cơ quan quản lý xuất bản và bản thân các NXB cần đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc, tránh trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước về tài chính.

Thực tế không có mô hình hay loại hình tổ chức nào quyết định sự thành công của một NXB nếu NXB đó không thể đưa tới cho công chúng những xuất bản phẩm có chất lượng cao. Ðể các NXB có thể tự chủ về tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một quá trình và yêu cầu có tính khách quan. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các NXB cũng rất cần sự giúp sức và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng. Cụ thể các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là quản lý nhà nước về xuất bản, cần tổ chức nghiên cứu toàn diện, có lộ trình cho từng thời kỳ, trong đó có cơ chế tự chủ, bao gồm cả việc tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự, thật sự trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật cho giám đốc, tổng biên tập NXB. Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng một nghị định của Chính phủ nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực báo chí, xuất bản. Những nỗ lực nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ giữa ngành xuất bản với việc vận hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển đột phá trong tương lai không xa.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 8-3-2019.

NGUYỄN KIỂM
Theo: https://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/
item/39463102-van-de-tu-chu-trong-hoat-dong-xuat-ban.html

 
Xem thêm »

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT